Triển khai Luật Thủy sản: Nhiều quy định thực hiện chưa nghiêm

08:04, 18/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 hiện gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ NN&PTNT, tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải có ít nhất 1 máy trưởng chịu trách nhiệm về kỹ thuật máy móc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất ít tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đáp ứng quy định trên.

“Thuyền trưởng đã được đào tạo chuyên môn, đảm bảo các yêu cầu về vận hành và quản lý máy móc, nên nếu có máy trưởng đi cùng thì sẽ lãng phí”, ngư dân Bùi Duy Thảo, xã Bình Châu (Bình Sơn) lý giải.

Các lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tàu cá hoạt động trên biển. ẢNH: MH
Các lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tàu cá hoạt động trên biển. ẢNH: MH


Còn theo các ngành chức năng, quy định phải có máy trưởng trên tàu cá là để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hướng đến sự chuyên nghiệp trong quá trình hoạt động khai thác hải sản. Chính vì vậy, theo Luật Thủy sản 2017, nếu ngư dân là chủ tàu không đáp ứng quy định trên, thì tàu cá không được xuất bến. Có điều, vì xuê xoa, nên đến thời điểm này, tàu khai thác hải sản xa bờ của ngư dân trong tỉnh chưa phải nằm bờ vì quy định trên.

Hoạt động truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng gặp khá nhiều khó khăn. Bởi thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), tỉnh ta đã thành lập Văn phòng kiểm soát nghề cá tại hai cảng cá là Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), để xác nhận nguồn gốc hải sản. Tuy nhiên, số lượng tàu cá cập về hai cảng trên không nhiều. Năm 2018, tổng số lượng tàu cá cập hai cảng Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ chỉ gần 300 lượt.

Trong khi thực tế, tỉnh ta có trên 3.500 tàu có công suất từ 90CV trở lên. Nguyên nhân là do toàn tỉnh chỉ có 2/5 Văn phòng kiểm soát nghề cá, nên phần lớn tàu thuyền cập cảng Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ để tránh trú, neo đậu, còn việc xuất bán sản phẩm thì lại về cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn) và các bến cá tự phát. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh hải sản trên địa bàn ít có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, nên không tiến hành truy xuất nguồn gốc hải sản.

Luật Thủy sản 2017 cũng quy định, ngoài cơ quan chức năng, tổ chức cộng đồng cũng cần chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thông qua hoạt động phối hợp tuần tra, kiểm tra và kiểm soát. Quy định trên nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác tận diệt nguồn lợi hải sản, hướng đến phát triển nghề cá bền vững. Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn cho rằng: “Cộng đồng chưa thực sự quan tâm đến hoạt động này, dù ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai tuyên truyền, phổ biến ở hầu khắp các xã có nghề cá”.

Hơn nữa, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản thiếu nhân lực và phương tiện, nên công tác kiểm tra, kiểm soát chưa hiệu quả. Chính vì vậy, vẫn còn xảy ra tình trạng ngư dân sử dụng phương tiện và ngư lưới cụ có tính tận diệt để khai thác hải sản, như: Tàu giã cào, thuốc nổ, xung điện... Ngay cả, Khu bảo tồn biển Lý Sơn, dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng cũng bị ngư dân xâm phạm, nhiều hải sản quý hiếm đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.

Tuyên truyền sâu rộng Luật Thủy sản 2017

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung của Luật Thuỷ sản 2017; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến Luật Thủy sản 2017, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thủy sản 2017. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện.


THANH PHONG


.