Tạo sự hài hòa giữa doanh nghiệp và môi trường biển

10:04, 20/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo tính toán của ngành chức năng, ngoài cảng Hòa Phát, các nhà đầu tư khác ở KKT Dung Quất dự kiến cũng sẽ nạo vét khoảng 27 triệu m3 vật chất ở khu vực biển. Do đó, công tác đảm bảo môi trường biển và tạo sự hài hòa cho doanh nghiệp đầu tư tại đây là vấn đề đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh phải có giải pháp căn bản.

TIN LIÊN QUAN

Nhận chìm vật chất nạo vét ở cảng Hòa Phát


Để đảm bảo hoạt động của Dự án (DA) Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất, cũng như phát huy lợi thế của cảng nước sâu, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã đề nghị nâng công suất khai thác cảng nước sâu để tiếp nhận tàu có công suất 200.000 tấn bằng việc nạo vét, thông luồng cảng biển.

Trong đó, DA sẽ xây dựng khu cảng và luồng tàu, với 11 bến tàu, 4 vũng quay tàu. Theo tính toán, tổng khối lượng vật chất cần nạo vét khu vực bến cảng, vũng quay tàu và luồng tàu có độ sâu đáy âm 20m là khoảng 19,4 triệu m3.

Toàn cảnh khu vực cảng Hoà Phát Dung Quất nhìn từ trên cao. Ảnh : TL
Toàn cảnh khu vực cảng Hoà Phát Dung Quất nhìn từ trên cao. Ảnh : TL


Giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất Mai Văn Hà cho biết: Đến nay, công ty đã nạo vét khu vực trước bến và sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng DA, với khối lượng 3,5 triệu m3. Riêng khối lượng vật chất còn lại khoảng 15,5 triệu m3.

Để đảm bảo tiến độ DA, công ty chọn phương án nhận chìm xuống biển để trình các bộ, ngành, chính phủ xem xét, bởi đây là phương án thuận lợi và phổ biến nhất của các DA nạo vét, duy tu luồng bến, cảng biển ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đến cuối tháng 2.2019, Bộ TN&MT đã cấp phép cho công ty  nhận chìm hơn 15 triệu m3 vật chất nạo vét từ khu vực cảng Dung Quất.

Địa điểm dự kiến thực hiện việc nhấn chìm vật chất nạo vét cảng Hòa Phát Dung Quất nằm ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3km về phía đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng hơn 6,8km và cách khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng ở vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất – phía tây bắc 10km. Diện tích khu vực nhận chìm khoảng 1,8km2, có độ sâu từ -51 đến -55m. Phạm vi phát tán lan truyền vật chất xa nhất là 4,62km về phía tây bắc và 2,96km về phía đông nam.

Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải cho biết thêm: Khu vực Công ty CP thép Hòa Phát xin nhận chìm được các nhà khoa học, các bộ, ngành nghiên cứu rất kỹ, kể cả quay phim tầng đáy đã cho thấy đa dạng sinh học khu vực này không có, độ dốc đáy biển 2% và phương tiện thực hiện nạo vét là tàu hút và xả đáy tự hành, có lắp đặt thiết bị AIS để giám sát. Đồng thời, sử dụng lưới chắn bùn kích thước nhỏ để hạn chế lan truyền bùn cát. Đối với vật chất nạo vét chủ yếu là cát nhiễm mặn và vỏ sò chiếm 86,4%, còn lại là bùn sắt.

“Phương án này rất thông thường, do không tận dụng được tài nguyên để san lấp trong thời điểm hiện nay, nên mới chuyển sang nhấn chìm. Tất cả vật chất nạo vét đều nằm dưới lòng biển, không phải là tạp chất gây ô nhiễm môi trường và hoàn toàn không có vật chất trên bờ. Đây là giải pháp dịch chuyển cát từ vùng biển này sang vùng biển khác mà một số DA tại KKT Dung Quất từng thực hiện” ông Hải khẳng định.

PGS.TS Trần Văn Quang - Trưởng khoa Môi trường (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), cho rằng: Việc nạo vét, nhận chìm có cả quy trình, tùy theo hệ sinh thái vùng biển, vật chất nhận chìm sẽ có tác động đến môi trường biển nhất định. Theo quan điểm của tôi, chủ đầu tư cần tham vấn các bên liên quan chặt chẽ, có quy trình cụ thể, công khai, minh bạch trước khi thực hiện.

Tìm giải pháp tận dụng vật chất nạo vét

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay việc nạo vét cảng biển ở Việt Nam và thế giới khi xử lý vật chất nạo vét có 3 phương án, gồm: Sử dụng san lấp mặt bằng; nhận chìm vật chất dư thừa trên biển và xuất khẩu. Trong đó, phương án xuất khẩu hiện không thể thực hiện được, bởi chính phủ yêu cầu tạm dừng xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài. Phương án san lấp mặt bằng cũng gặp không ít khó khăn, do khối lượng vật chất nạo vét lớn, việc tìm vị trí để san lấp khó, ngoài ra chi phí để thực hiện khá lớn, thời gian và các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường...

Không riêng gì vật chất nạo vét của Công ty Hòa Phát Dung Quất "bí đầu ra", mà theo thống kê, tại KKT Dung Quất còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ tiến hành nạo vét cảng biển, như Hào Hưng, Lọc dầu Dung Quất... với khối lượng khoảng 12 triệu m3. Đến nay, các doanh nghiệp này cũng đang... "bí đầu ra" đối với vật chất nạo vét cảng biển.

Công ty Hào Hưng cũng đang
Công ty Hào Hưng cũng đang "bí" đầu ra về vật chất nạo vét. Trong ảnh: Vật chất nạo vét cảng Hào Hưng còn chất đống ở khu vực dự án.


Ông Nguyễn Thanh Đạt – đại diện Công ty Hào Hưng cho biết: Công ty được tỉnh cấp phép đầu tư 4 bến cảng, với chiều dài 913m tại KKT Dung Quất, gồm hai bến với năng lực đáp ứng cho tàu có trọng tải 5 vạn tấn cập bến và hai bến đáp ứng tàu 3 vạn tấn cập bến. Do vướng tàu cổ chưa được khai quật, nên tiến độ thực hiện các bến cảng bị chậm; đồng thời một khó khăn nữa là, khối lượng vật chất nạo vét cảng không biết phải đổ đi đâu, vì công ty đã có văn bản xin tỉnh cho nhận chìm, nhưng chưa được chấp nhận...

Dù có nhiều ý kiến khác nhau, song nhiều chuyên gia cho rằng cần có một giải pháp hữu hiệu, mà cụ thể ở đây là tận dụng cát nhiễm mặn để phục vụ san lấp mặt bằng các DA có mặt bằng trũng sâu và nhiễm mặn ở KKT Dung Quất. Theo quy hoạch, những vị trí này được phép triển khai các DA về công nghiệp sạch, du lịch, hoặc đô thị, khu dân cư. Thế nhưng, mặt bằng có độ sâu khoảng 5 - 7m, nếu nhà đầu tư thực hiện DA sẽ mất một khoảng kinh phí lớn để san lấp.

Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Hà Đức Thắng cho biết: Hiện BQL đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư các khu tái định cư ở những vùng trũng thấp và khu vực nhiễm mặn để tận dụng khoảng 20 triệu m3 vật chất nạo vét ở dưới biển làm vật liệu san lấp.

Theo Sở TN&MT, việc tận dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu để san lấp mặt bằng cho các DA có địa hình trũng sâu sẽ hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý môi trường sẽ dễ hơn đối với việc nhận chìm ở biển, góp phần tăng nguồn thu từ thuế tài nguyên, giảm chi phí cho nhà đầu tư khi phải nhận chìm ở biển. Đồng thời, bảo đảm nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng cho các nhà đầu tư khác đã đăng ký đầu tư vào KKT Dung Quất.“Cát nhiễm mặn là một loại tài nguyên. Tận dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp mặt bằng là tối ưu nhất, vừa có lợi về mặt kinh tế, vừa giảm tác động môi trường”, ông Hải nhìn nhận.


Bài, ảnh: P.Danh - L.ĐỨC


 


.