Quản lý đất rừng: Vẫn còn bất cập

09:04, 08/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nhưng do vướng về pháp lý, nên người dân vẫn chưa được tiếp cận và thụ hưởng.

TIN LIÊN QUAN

Dự án hỗ trợ đầu tư vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh (DA), giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn có diện tích 507ha, kinh phí gần 18 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 56/2017 về Chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành cơ chễ hỗ trợ thí điểm Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 5.000ha rừng tham gia FSC, trong đó có 2.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Do thiếu kinh phí, nên công tác đo đạc, chỉnh lý và lập hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân còn chậm.
Do thiếu kinh phí, nên công tác đo đạc, chỉnh lý và lập hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân còn chậm.


Tuy nhiên, đến nay DA vẫn chưa được triển khai, còn FSC cũng chỉ đang trong giai đoạn xây dựng phương án thực hiện, với diện tích 3.200ha (chiếm 2,8% diện tích rừng trồng sản xuất). Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), tiến độ thực hiện các chính sách trên khá chậm, phần do thiếu kinh phí và người dân chưa đáp ứng một số điều kiện thụ hưởng.

Ví dụ, những nhóm hộ có diện tích rừng từ 2.000ha trở lên mới được hỗ trợ 100% chi phí (khoảng 1 triệu đồng/ha) để thực hiện đánh giá và cấp chứng chỉ rừng FSC. Tuy nhiên, hầu hết các chủ rừng trên địa bàn tỉnh chưa liên kết thành nhóm hộ, diện tích rừng nhỏ lẻ, phân tán, nên chỉ được hỗ trợ khoảng 300 nghìn đồng/ha khi thực hiện FSC.

Bên cạnh đó, việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp cũng là rào cản trong quá trình thực thi chính sách. Theo quy định, đối tượng được thụ hưởng DA và FSC là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao, hoặc được thuê và được cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp, hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chưa được cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp, vì chính quyền địa phương thiếu kinh phí, nên chưa tiến hành đo đạc, chỉnh lý và lập hồ sơ thủ tục.

Đối với công tác giao rừng, cho thuê rừng, dù đã cơ bản hoàn thành (tổng diện tích rừng được giao trên 118 nghìn hecta) và đã giao trên 83 nghìn hecta/52.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Chính vì vậy, tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra.

Đơn cử như huyện Ba Tơ, chỉ trong vòng 5 năm, người dân đã tự ý lấn chiếm gần 400ha đất rừng của hai Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ và Ba Tô.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đất đai để người dân hiểu, đồng tình. Bên cạnh đó, cần rà soát, xử lý dứt điểm vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng hồ sơ địa chính và bản đồ địa chính đất lâm nghiệp.

Bài, ảnh: THANH PHONG


 

.