Phát triển vùng nguyên liệu mì: Đừng để vỡ quy hoạch

10:04, 22/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cây mì tuy mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân trong tỉnh, nhưng nếu phát triển ồ ạt, không tuân theo quy hoạch (QH), thì đầu ra của sản phẩm sẽ bấp bênh, hoặc rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Đó là chưa kể những hệ lụy khác.

TIN LIÊN QUAN

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020 xác định mục tiêu đến năm 2020, diện tích mì toàn tỉnh khoảng 18.000ha, năng suất bình quân đạt từ 240 - 250 tạ/ha. Vùng sản xuất được bố trí tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng...

Tuy nhiên, nhiều địa phương không phát triển diện tích mì theo QH. Như tại huyện Minh Long, địa phương có nhiều lợi thế để phát triển cây mì theo hướng bền vững, nhưng tổng diện tích mì hằng năm ở địa phương này chỉ vài trăm hécta, năng suất từ 170 - 180 tạ/ha. “Cây mì có lợi thế về đầu ra, nhưng hiệu quả kinh tế không bằng cây keo, nên gia đình chuyển gần 2ha đất trước đây trồng mì sang trồng keo”, ông Đinh Văn Riêng, xã Long Môn, cho biết.

Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, việc phát triển và mở rộng diện tích mì sẽ để lại nhiều hệ lụy.   Ảnh PV
Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, việc phát triển và mở rộng diện tích mì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Ảnh PV


Thời gian qua, hàng trăm hécta đất trồng mì đã được người dân ở huyện miền núi Minh Long chuyển sang trồng keo. Dù chính quyền cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tăng cường trồng mì hoặc mì xen đậu sau khi khai thác keo trồng trên đất nông nghiệp; đồng thời tăng cường chuyển giao các mô hình và kỹ thuật trồng mì, để nâng cao năng suất, góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhưng diện tích mì liên tục có xu hướng giảm, để "nhường" đất cho cây keo.

Trong khi đó, nông dân hai huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh lại phát triển mạnh cây mì. Đặc biệt là, khi giá mía nguyên liệu niên vụ 2018 - 2019 giảm chỉ còn 770 nghìn đồng/tấn, hàng loạt diện tích trồng mía đã được nông dân chuyển sang trồng mì.

Hiện nay, cây mì đang được nhiều hộ nông dân lựa chọn để thay thế cho cây mía, nên diện tích trồng mì có nguy cơ phát triển và mở rộng. Như tại huyện Sơn Tịnh, theo kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt đến năm 2020, diện tích mì toàn huyện đạt 2.000ha. Thế nhưng từ năm 2017 đến nay, diện tích cây mì có xu hướng mở rộng, từ 1.890ha lên gần 2.000ha.

Theo ngành nông nghiệp, dù lợi ích cây mì mang lại rất lớn, nhưng nếu đầu tư phát triển không theo QH, sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. “Mì là một trong những đối tượng cây trồng gây thoái hóa đất nhanh và rất khó cải tạo đất. Nếu phát triển vùng nguyên liệu mì không theo QH sẽ tái xảy ra tình trạng chặt phá cây lâm nghiệp, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng mì làm phá vỡ QH cơ cấu cây trồng nói chung, tác động rất xấu đến môi trường sinh thái”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi Phạm Bá cho hay.

Chính vì thế, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại diện tích và thực hiện vùng QH nguyên liệu mì. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất trồng mì ở các vườn đồi, đất có độ dốc thấp sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc trồng rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và chọn tạo các giống mì mới có năng suất cao; xây dựng và chuyển giao các mô hình trồng mì xen các đối tượng cây trồng khác; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cơ giới hóa, để tăng hiệu quả sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch và cải tạo đất, bảo vệ môi trường.                

THANH PHONG


.