"Bệ phóng" để khởi nghiệp

10:04, 30/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn môi trường HTX để lập thân, lập nghiệp, điển hình như HTX Hòa Phú Thịnh. Những HTX kiểu mới này do thanh niên làm chủ đã mang đến sức sống mới trong phát triển kinh tế hợp tác.
 
HTX nông nghiệp Hòa Phú Thịnh nằm ở địa phận thôn Phước Luông, xã Đức Hòa (Mộ Đức). Đây là "mái nhà chung" của 32 thành viên HTX, đa phần là những người trẻ, vừa ngoài 30 tuổi. Trong đó có 22 hộ gia đình thành viên tham gia. 
 
HTX của những “ông chủ” trẻ
 
Dù mới thành lập chưa được bao lâu (từ tháng 11.2018) nhưng các thành viên trong HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh đã đồng lòng, chung sức, gầy dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế rõ rệt.
 
Đầu tiên phải nhắc đến, đó là mô hình nuôi gà thả đồi. Trên phần diện tích đất thuê, những đàn gà thả đồi trong lứa nuôi đầu tiên với khoảng 8.000 con đã và đang được xuất bán, chuẩn bị cho lứa nuôi tiếp theo. Chỉ tính riêng đàn gà, doanh thu sau khi bán thu về khoảng 1 tỷ đồng. 
 
Dẫn đoàn đi tham quan các mô hình đang được triển khai tại HTX, anh Võ Ngọc Bảo (32 tuổi)- thành viên HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh cho biết: Từ khi thành lập đến nay, ngoài nuôi gà, HTX còn thả nuôi 2 lứa heo thịt với khoảng 400 con. Thời gian qua, dù giá heo diễn biến thất thường, HTX vẫn thu về lợi nhuận đáng kể, với doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng.
 
Mô hình chăn nuôi gà đang là thế mạnh của HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh.
Mô hình chăn nuôi gà đang là thế mạnh của HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh.
 
Cùng với chăn nuôi gà, heo, HTX còn mạnh dạn trong việc tìm hiểu, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm mới trong mô hình trồng dưa lưới với 5.000m2 và nuôi 30ha các loại cá nước ngọt tại xã Đức Phú.
 
Theo tính toán, dự kiến doanh thu mỗi năm thu về từ các mô hình khoảng 7 tỷ đồng, không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định, tạo niềm tin cho xã viên, mà còn là nguồn huy động vốn hiệu quả để HTX ngày càng phát triển mạnh hơn. 
 
Có được “mái nhà chung” để làm ăn, phát triển kinh tế hiệu quả, thành công đó trước hết là nhờ sự đoàn kết, đóng góp của rất nhiều xã viên ở xã Đức Hòa và Đức Phú.
 
“Cánh chim đầu đàn” của HTX Hòa Phú Thịnh Nguyễn Anh Tiến năm nay 33 tuổi. Anh Tiến từng là giảng viên, với 5 năm giảng dạy tại Trường Cao đẳng Việt Nam- Hàn Quốc Quảng Ngãi và Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy. Thế nhưng, với mức lương vài triệu mỗi tháng cũng chỉ vừa đủ để anh lo cho gia đình và có một cuộc sống bình thường như bao người dân khác ở quê. 
 
Vào thời điểm cha anh mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, cuộc sống khó khăn đã thúc đẩy tư duy làm giàu, thoát nghèo trong anh. Không thể nào cả đời phụ thuộc vào một ngành nghề cố định, anh cùng các xã viên trẻ thuê một khu đất của gia đình và các hộ lân cận để hình thành nên một HTX quy mô; cải tạo nguồn đất mía, đất trồng keo kém hiệu quả. 
 
HTX bước vào hoạt động đã hình thành một chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng để nâng cao thu nhập cho hộ thành viên, trở thành mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, điển hình ở xã Đức Hòa, Đức Phú.
 
“Mỗi nhiệm vụ được phân công cho từng nhóm thành viên theo sở trường, năng lực; mỗi người, mỗi nhóm mỗi mảng. Từ đây, một vòng tròn tương đối khép kín được hình thành, bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, hạn chế chi phí trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho toàn HTX và mỗi thành viên”, anh Tiến nhấn mạnh. 
 
Cung chưa đủ cầu
 
Ngoài các nguồn vốn hợp tác từ các xã viên, thì trong quá trình khởi nghiệp, nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay với 200 triệu đồng là “bệ phóng” góp phần giải quyết những khó khăn bước đầu của HTX. Với số vốn này, HTX đã chủ động để nuôi gà- mô hình dễ dàng thu hồi vốn, tạo lãi để “nuôi” các mô hình khác.
 
Hiệu quả từ nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả cao trong việc tăng thu nhập, giải quyết việc làm, tạo hiệu ứng xã hội tích cực cho phong trào khởi nghiệp từ HTX. Chính các thành viên sẽ là những người sản xuất cho mình, tự mình sản xuất, tự mình kinh doanh, tự làm hiệu quả cho chính mình. 
 
Nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội là
Nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội là "bệ phóng" để các hộ thành viên trong HTX có điều kiện khởi nghiệp. Tuy nhiên, với nhu cầu hiện tại thì nguồn vốn chưa đáp ứng đủ để phát huy hết tiềm năng vốn có. Trong ảnh là mô hình trồng dưa lưới đang được triển khai tại HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh.
 
“Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh là có. Thế nhưng, với tiềm năng và triển vọng hiện có, HTX còn cần nguồn vốn vay lên đến 1,7 tỷ đồng nhưng không có điều kiện để vay thêm”, anh Tiến bày tỏ.
 
Và đây cũng là thực trạng chung của nhiều mô hình kinh tế ở huyện Mộ Đức, vốn là địa phương có kinh tế nông hộ, HTX phát triển mạnh mẽ thời gian qua. 
 
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộ Đức Nguyễn Hoàng Nở, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giải ngân khoảng 2,2 tỷ đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của huyện và tỉnh, cơ bản đáp ứng được vốn đầu tư của các cá nhân, tập thể trong sản xuất nông nghiệp.
 
Đáng mừng, nguồn vốn này trở thành “bệ phóng” vững chắc để đối tượng thanh niên- những người cần việc làm, muốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Thế nhưng, theo nhu cầu hiện nay địa phương còn cần khoảng 10 tỷ đồng mới đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu giải quyết việc làm cho người dân.
 
Linh động điều tiết các nguồn vốn để tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm như HTX Nông Nghiệp Hòa Phú Thịnh là điều cần thiết để họ có nguồn vốn vay, góp phần phát triển kinh tế hợp tác ở địa phương. Bởi ở họ có sự sáng tạo, có trí tuệ, nhanh nhạy nắm bắt thị trường và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
 
                                                                                   Bài, ảnh: G.N
 

.