Hướng đi mới của ngành công nghiệp Quảng Ngãi

10:03, 11/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh các ngành công nghiệp (CN) hiện hữu, như lọc hoá dầu, cơ khí, CN nhẹ, may mặc... thì ngành CN điện khí, với các dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp khai thác từ mỏ khí Cá Voi Xanh, tại KKT Dung Quất hứa hẹn sẽ tạo ra cú huých cho ngành CN, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm đến.

TIN LIÊN QUAN

Xây dựng Trung tâm khí điện miền Trung

Sáng 28.2, tại KKT Dung Quất, Bộ Công thương đã tổ chức công bố điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm khí điện miền Trung (TTKĐMT), Trung tâm Điện lực (TTĐL) Dung Quất. Theo đó, TTĐL Dung Quất được quy hoạch xây dựng tại KKT Dung Quất, thuộc xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Nội dung điều chỉnh, bổ sung Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III (miền Trung III), với công suất khoảng 750MW, sử dụng nhiên liệu khí từ nguồn khí mỏ Cá Voi Xanh. Tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2024 - 2026, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.


Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Lê Văn Lực cho biết: Tổng mức đầu tư TTĐL Dung Quất sau điều chỉnh hơn 74.000 tỷ đồng, với tổng diện tích sử dụng đất, mặt nước hơn 303ha. Trong đó, diện tích sử dụng đất khoảng 93,3ha; khu vực mặt nước 196,2ha và khu quản lý vận hành khoảng 14ha.

TTĐL Dung Quất sẽ gồm ba nhà máy tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II, III (sử dụng nhiên liệu khí từ nguồn mỏ khí Cá Voi Xanh), với công suất khoảng 750MW/nhà máy và dự phòng diện tích cho nhà máy thứ tư trong tương lai. Trong đó, hai nhà máy Dung Quất I và III do EVN làm chủ đầu tư. Còn Nhà máy Điện Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư theo phương thức BOT.

Nhà máy tuabin khí hỗn hợp đầu tiên dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2023. Ước tính, ba nhà máy điện khí khi đi vào vận hành sẽ cung cấp hơn 13 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Trung và truyền tải cấp cho miền Nam thông qua hệ thống đường dây 500kV.

“Việc phát triển các Nhà máy Điện Dung Quất I, II, III, với tổng công suất 2.250MW sẽ góp phần nâng cao năng lực hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, cũng như đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách quốc gia”.

 Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo LÊ VĂN LỰC

Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp (Singapore) xoay quanh việc phát triển dự án Nhà máy Điện khí chu trình hỗn hợp Dung Quất II, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho biết: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện hoàn thành, đạt chất lượng các nội dung liên quan đến dự án. Đồng thời, giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sembcorp Steven Teo thông tin: Tháng 3.2017, Tập đoàn đã ký kết với Bộ Công thương về phát triển Dự án Nhà máy Điện khí chu trình hỗn hợp Dung Quất II. Đến tháng 4.2018, Quảng Ngãi và Tập đoàn Sembcorp đã ký kết bản ghi nhớ về phát triển dự án. Thời gian qua, Sembcorp đã lập, trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và đã được Bộ Công thương phê duyệt. Hiện nhà đầu tư đang phối hợp với Bộ Công thương thực hiện các bước tiếp theo.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian đến, tại KKT Dung Quất sẽ có làn sóng các nhà đầu tư mới, nhất là sau khi sản phẩm khí Cá Voi Xanh được đưa vào bờ. Hiện Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN trong KKT Dung Quất, đầu tư hạ tầng kết nối giữa các KCN, giữa TTĐL Dung Quất với các doanh nghiệp đầu tư sử dụng nguồn nhiên liệu khí để sản xuất. Đồng thời, mời gọi thu hút đầu tư các dự án sử dụng sản phẩm khí để sản xuất hóa dầu, hóa chất, cung cấp nhiên liệu khí cho các ngành công nghiệp, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh.


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.