Dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai: "Bỏ quên" cây màu

08:03, 31/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tích tụ ruộng đất nhằm đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa, tạo tiền đề để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, DĐĐT, tích tụ ruộng đất hiện chỉ tập trung áp dụng cho cây lúa, mà “bỏ quên” các loại cây màu.

TIN LIÊN QUAN

Những năm qua, dù giá mía nguyên liệu liên tục giảm, nhưng người dân ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) vẫn không quay lưng với loại cây này, mà tìm cách cải thiện và nâng cao năng suất. Từ sự trợ giúp của chính quyền địa phương và Nhà máy Đường Phổ Phong, người dân trong thôn đã chủ động hoán đổi và tích tụ ruộng đất, để giảm số thửa trung bình từ 4 – 5 thửa xuống còn 1 – 2 thửa, với diện tích từ 1.500 – 2.000m2/thửa.

Cách làm này đã hình thành những cánh đồng mía liên vùng, liên thửa, có diện tích trên 10ha. Điều này giúp người trồng mía thôn Phước Hòa thuận lợi trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nên năng suất và chất lượng mía cao hơn bình quân chung của tỉnh.

 Nhờ DĐĐT, tích tụ đất đai nên người trồng mía ở thôn Phước Hòa, xã Đức Hòa (Mộ Đức) thuận lợi ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Nhờ DĐĐT, tích tụ đất đai nên người trồng mía ở thôn Phước Hòa, xã Đức Hòa (Mộ Đức) thuận lợi ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.


Đơn cử như vụ mía năm nay, dù mía lứa 4, nhưng năng suất vẫn đạt 70 – 80 tấn/ha, chữ đường đạt 9,5 CCS, giá thu mua tại ruộng 730.000 đồng/tấn. “Thị trường quyết định giá mía, phương thức canh tác quyết định năng suất và lợi nhuận. Vì vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Nhà máy Đường Phổ Phong và nhà nước cần đẩy mạnh DĐĐT, tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa, kể cả khâu thu hoạch, để giảm chi phí nhân công, tăng lợi nhuận, giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây mía”, ông Huỳnh Hữu Một, ở thôn Phước Hòa, đề xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế không có nhiều địa phương quan tâm và coi trọng công tác DĐĐT, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất cây màu như xã Đức Phú. Nguyên nhân là vì diện tích sản xuất nhỏ lẻ và phân tán, nên chi phí thực hiện DĐĐT lớn, trong khi ngân sách hỗ trợ chậm. Vì vậy, hầu hết các địa phương chỉ tập trung thực hiện DĐĐT, tích tụ ruộng đất đối với diện tích trồng lúa mà “bỏ quên” cây màu.

Một khó khăn nữa là sau DĐĐT, tích tụ ruộng đất thì vị trí, số lượng và quy mô diện tích các thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân sẽ biến động, nên phải thực hiện việc cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, nên việc chỉnh lý biến động đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi GCNQSDĐ chưa kịp thời, khiến người dân bất an, kéo theo tiến độ thực hiện DĐĐT và tích tụ ruộng đất chậm. “Cây lúa là đối tượng được tỉnh ưu tiên bố trí vốn để DĐĐT, tích tụ ruộng đất, nhưng quá trình thực hiện vẫn trầy trật.

Nguyên nhân là do ngân sách phân bổ chậm; việc cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ lúa sau DĐĐT, tích tụ ruộng đất cũng chưa được giải quyết rốt ráo. Vì vậy, với cây màu, việc DĐĐT và tích tụ ruộng đất sẽ càng khó khăn”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) Phạm Bá, cho biết. Thực tế, năm 2018, toàn tỉnh thực hiện DĐĐT trên 2.100 ha (chủ yếu là cây lúa), chỉ đạt 77,6% kế hoạch. Dù tổng kinh phí thực hiện trên 47,7 tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ bố trí được 50%.

Mỗi năm, toàn tỉnh có trên 60 nghìn hécta sản xuất các loại cây màu. Tuy nhiên, do diện tích phân tán, lại sản xuất kiểu “được chăng hay chớ” và mạnh ai nấy làm, nên giá trị cạnh tranh thấp. Vì vậy, dù biết giải pháp cơ bản nhất để tăng giá trị sản xuất chính là DĐĐT, tích tụ ruộng đất, nhưng dường như ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương hiện vẫn lúng túng, thậm chí “nhìn” nhau trong quá trình triển khai thực hiện.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh cần chỉ đạo cụ thể chính quyền các địa phương và sở, ngành liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT, tích tụ ruộng đất; đồng thời có cơ chế ưu đãi đặc thù trong việc khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức hợp tác đầu tư thực hiện DĐĐT, tích tụ ruộng đất, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.


 Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.