Điểm bán hàng Việt: Đã đến lúc phải đổi mới

03:03, 17/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi "Tự hào hàng Việt", nhằm tạo hiệu ứng tốt trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tuy nhiên, xét về sự cần thiết cũng như hiệu quả của mô hình này thì cần có sự đổi mới trong cách làm.

TIN LIÊN QUAN

Chưa đạt chỉ tiêu

Theo Kế hoạch số 5801/KH-UBND, ngày 12.5.2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam", trong giai đoạn 2016 - 2020, thì mục tiêu tối thiểu mỗi huyện, thành phố phải xây dựng ít nhất 1 điểm bán hàng Việt. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới xây dựng được 5 điểm tại 5 huyện, gồm: Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh. Còn lại 9 huyện, thành phố khác vẫn chưa xây dựng được.

Khai trương điểm bán hàng Việt ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).
Khai trương điểm bán hàng Việt ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).


Hằng năm, Sở Công thương đều có kế hoạch xây dựng từ 4 - 5 điểm bán hàng Việt, nhưng khi duyệt kinh phí, Sở Tài chính không cân đối được, chỉ bố trí kinh phí thực hiện 1 điểm/năm. Hiện tại, Sở Công thương đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính cân đối bố trí kinh phí năm 2019 và 2020 để xây dựng thêm 9 điểm bán hàng Việt như đề án đã phê duyệt. Đối với các điểm bán hàng Việt đã xây dựng, các ngành chức năng của tỉnh cũng cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động trong những năm qua.

Không nên chạy theo số lượng

Điểm bán hàng Việt được xây dựng trên cơ sở cửa hàng tạp hóa nằm giữa trung tâm huyện lỵ là địa chỉ quen thuộc của cư dân trong vùng. Từ nguồn kinh phí của ngân sách, Sở Công thương trang bị thêm một số kệ, tủ giúp chủ cơ sở có điều kiện trưng bày nhiều hàng hóa, mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian, khách hàng đến đây ít dần, không còn đông đúc như mục tiêu khi xây dựng điểm bán. Cá biệt, ở một số điểm treo biển "điểm bán hàng Việt", song bên trong lại kinh doanh nhiều mặt hàng ngoại nhập. Vì thế, mục tiêu tạo ra hiệu ứng xã hội tốt về thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là chưa đạt như kỳ vọng.

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mang tính lâu dài, khơi dậy tình yêu hàng Việt, động viên người dân tiêu dùng hàng nội; giúp DN có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Việc duy trì, phát triển cuộc vận động là cần thiết với yêu cầu phát triển mạnh mẽ kênh phân phối bán lẻ hàng trong nước sản xuất.

Hệ thống phân phối bán lẻ hiện tại phát triển rộng khắp, người kinh doanh cũng không ngần ngại đầu tư để tạo việc làm, tăng thu nhập. Vì thế, chỉ cần có khách hàng, là cửa hàng, điểm bán sẽ trở nên sôi động. Về phía DN, cần có chiến lược đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước. Vì thế, điểm bán hàng Việt ở thời điểm hiện tại không cần chạy theo số lượng, nhất là trong lúc kinh phí không thể cân đối được.

Thay đổi cách thực hiện

Tại buổi làm việc với Sở Công thương mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính nhấn mạnh: Cần xem xét lại chỉ tiêu xây dựng điểm bán hàng Việt. Nếu tiếp tục triển khai thì phải đổi mới, tính toán hiệu quả, còn triển khai như lâu nay thì không nên. Vấn đề là phải làm sao cho người kinh doanh chủ động xây dựng cửa hàng, quầy sạp nào cũng là điểm bán hàng Việt chất lượng, giá bán hợp lý, góp phần đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" lên một tầm cao mới.


Bài, ảnh: TẤN PHÁT


 


.