"Vua hồng gió" Đà Lạt

09:02, 08/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Vua hồng gió” là cách những người dân vùng Cầu Đất (Đà Lạt) gọi vui về anh Mai Xuân Long (46 tuổi).

Người ta gọi anh thân mật như thế không phải vì anh là cơ sở sản xuất hồng gió lớn nhất ở Đà Lạt, mà bởi cách anh chia sẻ nghề làm hồng gió với mọi người, để tạo ra cộng đồng sản xuất lớn.

Lộc trời chia nhau mà sống

Cha anh Long theo dòng người di cư Quảng Ngãi, Quảng Nam vào Đà Lạt làm ở Sở chè Cầu Đất thời Pháp thuộc - bây giờ là vùng chè Cầu Đất danh tiếng. Gọi anh là người Đà Lạt “nòi” anh nói tôi không dám nhận. Anh bảo, tôi dân miền Trung, tha hương tới xứ này. Nói vậy, không phải chê bai mảnh đất Đà Lạt trù phú, mà bởi anh phải luôn tự nhắc nhớ những câu chuyện quê nghèo đã thôi thúc cha anh rời mảnh đất miền Trung đến Đà Lạt tìm kế sinh nhai. “Nhớ cái nghèo thì mới quý từng ngọn trà, hạt cà phê, trái hồng mà Đà Lạt mang đến cho gia đình”, anh Long cười hiền hậu.

Nhà anh Long nằm ở thôn Đất Làng, là vùng sản xuất hồng gió có tiếng của Đà Lạt, bởi khí hậu đặc biệt của vùng đất nằm ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển. Mùa hồng chín cũng là mùa sản xuất hồng gió rầm rộ nhất ở thôn Đất Làng. Khi ấy con đường dẫn vào nhà anh thơm nức mật hồng. Du khách từ xa đến, chưa kịp đặt chân lên nhà xưởng hồng gió thì đã bị mê hoặc. Con đường trở thành “vua hồng gió” của anh Long không phải là sự tình cờ mà là cả một hành trình trăn trở của người nông dân.

Anh Mai Xuân Long với nhà xưởng làm hồng gió chuyên nghiệp tại thôn Đất Làng (xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt). Ảnh: PHƯỚC AN
Anh Mai Xuân Long với nhà xưởng làm hồng gió chuyên nghiệp tại thôn Đất Làng (xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt). Ảnh: PHƯỚC AN


Năm 2013, giá quả hồng tươi xuống thấp, người dân vùng ngoại ô Đà Lạt và các huyện lân cận đốn bỏ cây hồng ồ ạt. Nhóm kỹ sư nông nghiệp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và những nông dân làm hồng gió Hoshigaki từ Nhật Bản đã đến tận Đà Lạt tìm kiếm nông dân và truyền nghề.

Đây là phương pháp truyền thống của Nhật Bản, nhưng tương thích với điều kiện của Đà Lạt. "Hôm các chuyên gia Nhật hướng dẫn cho bà con, nhiều người đến rồi về ngay sau đó. Họ không tin cây hồng và nghề làm đặc sản sẽ giúp cuộc sống ổn định. Tôi tin vì từ thời cha mẹ tôi, cuộc sống của cả nhà đều đong đếm bằng những quả hồng và cây cà phê trồng dưới tán hồng. Tôi ở lại học một cách bài bản”. Nhìn cách những chuyên gia Nhật thực hiện tuần tự từng công đoạn làm hồng gió, anh Long tự nhủ sẽ làm một điều gì đó để cuộc sống của người dân ở thôn Đất Làng, trong đó có nhà anh khấm khá hơn.

Sau 3 năm, hồng gió do nhà anh Long sản xuất trở nên nổi tiếng. Quả hồng gió không chỉ giữ được vị của quả hồng chín lên men mà cách làm ra mứt hồng gió cũng đẹp mắt. “Đơn hàng khắp nơi gửi về, không quá nhiều nhưng tôi nhẩm cũng đủ cho nhiều người trong thôn cùng làm lâu dài. Khi tôi rủ bà con, nhiều người e ngại. Tôi bảo để tôi hướng dẫn. Tôi không dám nói là truyền nghề, nhưng thấy có cái nghề hay thì dẫn dắt nhau mà làm rồi kiếm sống”, anh Long tâm sự. Chúng tôi ngạc nhiên vì cơ hội học nghề làm hồng gió không nhiều và người có nghề không dễ dàng truyền lại cho người khác. Anh Long cười hà hà, không giấu được bất ngờ trước thắc mắc có phần ích kỷ đó: “Hồi xưa mình chưa có nghề, giăng nắng giăng sương cũng không khá được. Giờ trời phát lộc cho cái nghề, chia nhau mà sống thôi”.

Mở cửa đón du khách

Từ anh Long, khoảng 30 hộ dân trong thôn có nghề hồng gió. Để sản phẩm của cả làng không chênh chất lượng, thống nhất mẫu mã, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng ở khắp nơi, anh Long lập Hợp tác xã Đất Làng và làm chủ nhiệm.

“Bà con chòm xóm đã gắn bó bao nhiêu năm nay bằng tình nghĩa, giờ thêm gắn bó nhờ cái nghề”, anh cho biết. Nhờ tạo được cả một cộng đồng cùng nhau sản xuất, thống nhất được chất lượng và sản lượng ổn định nên hồng gió từ thôn Đất Làng được ưa chuộng và nhiều nơi nhận làm đại lý phân phối. Hồng gió được chuyển ngược sang Nhật, Đức. Ở trong nước, hồng gió của thôn Đất Làng đã vào siêu thị.

“Cầm gói hồng của thôn Đất Làng, mình không nghĩ đây là sản phẩm sản xuất thủ công, vì bao bì tạo được nét chân thành trong sản xuất nông sản sạch và trân trọng khách”, du khách Trần Thị Duyên (Bình Định), nhận xét.

“Tất cả mọi người cùng chia nhau ra đi kiếm mối bán hàng, tìm chỗ trồng hồng ngon để mua làm nguyên liệu. Cùng làm cùng ăn nên khoẻ re à”, giọng Quảng vẫn còn đặc sệt trong từng câu nói của anh Long. Nghe thoáng qua đã thấy gợi nhớ một miền quê từng một thời khó khăn, vừa toát lên cái chất thật thà.

Anh với tay bấm nút tắt cái máy gọt trái hồng tự động do anh chế tạo cho cả hợp tác xã cùng dùng, rồi hào hứng kể thêm về chuyện sắp tới anh và bà con thôn Đất Làng cùng làm. Anh Long nói: “Sắp tới cả thôn sẽ làm du lịch để quảng bá nghề hồng gió với bà con khắp nơi. Nè, vầy nè. Mình sẽ làm vài nhà xưởng nhỏ, tách biệt khỏi khu sản xuất để biểu diễn cho du khách coi nghề hồng gió.

Khách coi xong thì ăn thử, muốn mua thì mua, không mua thì uống nước trà cho vui rồi hãy đi về. Mình làm vậy vừa tiện cho khách tới thăm, vừa đảm bảo khu sản xuất sạch sẽ. Nói gì nói, hồng phải sạch như gió mới là hồng gió chú à”.


PHƯỚC AN


.