Tái tạo nguồn lợi thủy sản: Cần giải pháp đồng bộ

02:02, 21/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, chính quyền các địa phương và ngành thủy sản thường tổ chức thả nhiều loại giống thủy sản xuống sông, biển, nhằm tái tạo nguồn lợi. Tuy nhiên, do chưa có giải pháp quản lý và bảo vệ, nên vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2018, Trung tâm Giống Quảng Ngãi đã thả gần 400 nghìn con giống thủy sản các loại. Trong đó, khu vực ven biển được thả gần 10.000 con hải sâm, 30.000 con ốc hương và 5.000 con cá bớp, với kích cỡ từ 12 - 15cm. Hoạt động này nhằm mục đích tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là khi nguồn thủy sản ven bờ biển đang dần cạn kiệt.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ, tuyệt đối không sử dụng các ngư cụ khai thác kiểu tận diệt. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng người dân dùng xung điện, chất nổ, ngư cụ có kích cỡ mắt lưới không đảm bảo quy định, hoặc khai thác thủy sản ồ ạt trong mùa sinh sản. Thậm chí, các loại giống thủy sản được thả để tái tạo nguồn lợi cũng bị... mắc lưới.

 Cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng ngư dân sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, không đúng quy định để khai thác thủy sản.
Cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng ngư dân sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, không đúng quy định để khai thác thủy sản.

Cuối năm 2018, Trung tâm Giống Quảng Ngãi tiến hành thả 10.000 con hải sâm (trọng lượng 10g/con) và 300.000 con ốc hương xuống biển, thuộc Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Dù biết việc thả giống thủy sản nhằm tái tạo nguồn lợi hải sản ven bờ, nhưng một số ngư dân hành nghề lưới kéo (giã cào) vẫn quăng lưới ngay sau khi việc thả giống kết thúc. Bên cạnh ý thức của người dân, việc xây dựng nhiều công trình trên các tuyến sông cũng là nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
 
Đơn cử như chình biển. Mặc dù sống ở biển, nhưng chình lại sinh sản trên thượng nguồn các dòng sông. Tuy nhiên, do nhiều dòng chảy ở các sông bị ngăn cản, nên chình không có đường để “về nhà” vào mùa sinh sản.
 
Chính vì vậy, số lượng chình biển giảm mạnh trong những năm gần đây. Ngoài ra, việc sử dụng mắt lưới nhỏ, khai thác kiểu tận diệt, nên nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành thủy sản, tỷ lệ hải sản có kích thước nhỏ và rất nhỏ bị đánh bắt chiếm hơn 70% tổng sản lượng người dân thu được.

Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn cho rằng: “Bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn và chính quyền các cấp, cần thiết phải có sự hợp tác của người dân. Bởi thực tế, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ chính là giúp người dân đảm bảo và nâng cao thu nhập”. Hơn nữa, việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản cần sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và chính quyền các cấp, không phải của riêng ngành nông nghiệp.
 
Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ ngành thủy sản khảo sát, nghiên cứu xây dựng các khu bảo tồn thủy sản ở các sông Trà Khúc, Trà Bồng và sông Vệ. Trên cơ sở đó, sẽ đánh giá trữ lượng, xây dựng hệ thống dữ liệu về đối tượng, sản lượng thủy sản ở các khu vực, để có giải pháp bảo vệ và phát triển hiệu quả.


Bài, ảnh: THANH PHONG


.