Chuẩn bị gia cầm để cung ứng thị trường Tết

07:02, 03/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Sau các đợt mưa lũ, người chăn nuôi trong tỉnh đã và đang tập trung chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để kịp cung ứng cho thị trường tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

TIN LIÊN QUAN


Tập trung tái đàn

Tuy còn hơn 400 con gà kiến thịt trong chuồng, nhưng vợ chồng ông Thới Đình Kế, ở thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn nhập về gần 600 con giống mới để tăng đàn. Ông Kế lý giải: “Số lượng gà tiêu thụ trước và trong Tết tăng gấp đôi so với ngày thường. Do đó, để có gà cung ứng ra thị trường, tôi phải nhập thêm con giống về nuôi. Năm nay, do mưa lạnh thất thường, nên số gà gia đình nuôi chậm hơn so với mọi năm, nên sau Tết mới xuất bán”.

Gia đình ông Thới Đình Kế, ở thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) chăm sóc đàn gà để kịp cung ứng cho thị trường Tết.
Gia đình ông Thới Đình Kế, ở thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) chăm sóc đàn gà để kịp cung ứng cho thị trường Tết.


Ông Nguyễn Ngọc Minh, ở thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn) cũng quyết định tăng đàn lên đến 6.000 con gà để có thể cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết. Trong đó, số lượng gà tái đàn của gia đình ông chiếm gần 10%. Theo ông Minh, do thị trường Tết tiêu thụ  rất mạnh, nên năm nào ông cũng phải tái đàn để có hàng cung ứng cho thị trường.

Theo nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc tái đàn trong thời điểm này sẽ có hiệu quả kinh tế cao, nếu giá bán ngoài thị trường ổn định. Bởi lẽ, thời điểm trước, trong và sau Tết, nhu cầu của thị trường là rất lớn, do đây là thời điểm nhiều gia đình tổ chức đám cưới, tiệc cuối năm...

Lo ngại dịch bệnh và giá cả

Hiện nay, giá gà thu mua tại các nông, gia trại đang giảm, nhiều người chăn nuôi tỏ ra hoang mang. Mặt khác, thời tiết diễn biến thất thường, nên dịch bệnh có thể bùng phát nhanh, nên nhiều hộ chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư tăng quy mô nuôi. Ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Hiện nay, giá gà chỉ còn 50  – 55 nghìn đồng/kg, thấp hơn năm trước từ 18 – 20 nghìn đồng/kg. Nếu từ nay đến Tết, giá vẫn giữ ở mức này, người chăn nuôi sẽ lỗ vốn. Đây cũng là lý do khiến nhiều người không dám đầu tư để tăng đàn gia cầm”.

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc tiêm phòng đợt II cho gia súc, gia cầm. Nhiều hộ chăn nuôi cho rằng, việc đảm bảo an toàn vệ sinh chăn nuôi trong lúc này là hết sức cần thiết, bởi nếu sơ suất rất dễ bị trắng tay. Vừa qua, hơn 8.800 con cút nuôi của hộ ông Bùi Đức Trọng, ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) buộc phải tiêu hủy do nhiễm dịch cúm. Để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh đến đàn gà, vịt của các hộ xung quanh, cán bộ thú y xã đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời xử lý, nhưng tất cả các mẫu đều âm tính.

Ông Nguyễn Văn Viện, cán bộ khuyến nông, thú y xã Tịnh Hà cho biết: “Công tác kiểm tra, xử lý dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện thường xuyên, nhưng vì thời tiết chuyển biến thất thường, nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn rất lo ngại. Việc hướng dẫn cho người dân cách phòng ngừa, cũng như tiêm vắc xin đã được chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi Đỗ Văn Chung cho biết: Cuối năm là thời điểm mà rất nhiều hộ chăn nuôi tổ chức tăng đàn, nên công tác phòng chống dịch bệnh luôn được chú trọng. Đối với những địa phương đã xảy ra dịch bệnh trước đó, chi cục đã cử cán bộ xuống địa phương hướng dẫn người dân thường xuyên tăng cường khử trùng, tiêu hủy và theo dõi để hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn. Song, người dân cũng cần hợp tác tốt với cán bộ thú y cơ sở để việc chăn nuôi được tốt, tránh để dịch bệnh xảy ra tràn lan, gây thiệt hại lớn về kinh tế”.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU



 


.