Vất vả mùa cấy tháng Chạp

03:01, 08/01/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Vào những ngày tháng Chạp, cái lạnh cắt da, cắt thịt thì đó cũng là lúc nông dân ở các vùng trũng bước vào mùa cấy. Năm nay mưa bất ngờ vào cuối tháng 11 âm lịch, đầu tháng Chạp, công việc đồng áng vì thế cũng vất vả hơn để bắt kịp thời vụ.
Tất bật cuối năm
 
Khi đợt không khí lạnh đi qua, trời vừa dừng hẳn những cơn mưa kéo dài, nông dân vùng trũng tất bật với công việc nhổ mạ mang đi gieo cấy ở các thửa ruộng đã dần rút nước. Đã thành thông lệ từ trước đến giờ, một năm hai vụ lúa thì thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn có một vụ cấy đông xuân vào tháng Chạp. 
 
Ở thôn Châu Tử chỉ cần một vài trận mưa lớn trong vài ngày là nước ứ đọng, không có lối thoát. Vậy nên, vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu, nhà nông tranh thủ làm đồng, chuẩn bị giống, vật tư, gieo mạ cho vụ cấy tiếp theo. Năm nào lũ lớn kéo dài, nhiều hộ đành bỏ ruộng hoang và gieo sạ một vụ hè thu. 
 
Người dân ở các vùng trũng tranh thủ nhổ mạ non để cấy.
Người dân ở các vùng trũng tranh thủ nhổ mạ non để cấy.
 
Đang cùng với hai người làm công khác nhổ mạ non, bà Trần Thị Liễu, đội 10, thôn Châu Tử cho biết, năm nay, gia đình bà cấy 4 sào lúa, chủ yếu là các giống lúa Nàng Hương, Thiên Ưu... 
 
Từ đầu tháng 11 Âm lịch, bà Liễu đã gieo 20kg giống làm mạ, dự kiến cuối tháng công việc đồng áng sẽ xong. Thế nhưng, mọi dự định đều ngược lại khi những trận mưa khiến nước dâng trắng đồng, công việc cày cấy bị trì hoãn. Số mạ vừa nhổ xong đành ngâm nước ở một góc ruộng. 
 
“Thời tiết đẩy mình vô thế bị động. Gieo sạ đã không thành, cấy cũng chẳng xong. Mấy hôm nay vừa thấy trời sửng mưa là chúng tôi vội vã đi tìm người để tranh thủ cấy cho kịp mùa vụ. Tết nhứt đến nơi rồi”, bà Liễu lắc đầu. 
 
Đối diện bên thửa ruộng nhà bà Liễu là ruộng nhà ông Nguyễn Tấn Lãnh, 60 tuổi. Năm nay, nhà ông sạ 4 sào, cấy 3 sào. Dù mưa đã ngớt, nhưng nước trong ruộng cấy vẫn còn trên đầu gối.
 
Ông Lãnh chia sẻ, nhà nào cũng lo cấy cho xong ruộng nhà mình. Hai vợ chồng trông chừng khi nào nước rút tới đâu, mình ra cấy đến đó, không kể sớm tối, mặc cái lạnh cắt da, cắt thịt. Nhà tôi đợi qua những trận mưa lớn đầu tháng Chạp mới cấy, dù có chậm cũng may mắn hơn nhiều hộ cấy trước. Lúa của họ đã ngập úng, buộc phải đi xin hoặc mua mạ dư cấy lại, bằng không bỏ ruộng. 
 
Thợ cấy vào mùa
 
Nếu như  gieo sạ tốn trung bình 6kg lúa giống cho một sào thì khi cấy chỉ tốn 5kg. Cấy cây nào, chắc cây đó. Cấy lúa ruộng trũng chi phí cho nguồn giống ít hơn ruộng gieo sạ. Vậy nhưng ruộng trũng tốn nhiều công sức khi dồn nhiều chi phí để thuê nhân công cấy. 
 
Vào mùa cấy, nhiều nông dân còn có thêm nguồn thu nhập từ công việc cấy thuê. Bà Lý Thị Yến, 61 tuổi, ở thôn Châu Tử cho hay: “Nhà tôi đã cấy xong 3 sào ruộng, may mắn không bị ngập úng. Xong việc nhà, tôi cũng tranh thủ đi cấy thuê vừa giúp hàng xóm, vừa kiếm thêm thu nhập thời vụ”.
 
Dù là đàn ông nhưng ông Nguyễn Tấn Lãnh, thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn không ngại xuống ruộng để cấy cho kịp lịch thời vụ.
Dù là đàn ông nhưng ông Nguyễn Tấn Lãnh, thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn không ngại xuống ruộng để cấy cho kịp lịch thời vụ.
 
Vừa nói xong, bà Yến nhanh tay cấy những hàng lúa cuối cùng. Công việc cấy thuê vất vả, vì cả ngày phải ngâm chân trong bùn nước, cúi mặt xuống ruộng nhưng bù lại có 200 nghìn đồng trong ngày. Những người cấy thuê siêng năng cũng có khoản tiền kha khá để trang trải cho những ngày Tết đang đến. 
 
“Một sào ruộng phải có 5 người cấy mới xong trong một ngày, chưa kể công nhổ mạ. Mọi năm các thành viên trong gia đình cấy vài ngày là xong. Thế nhưng, năm nay có đợt mưa muộn kéo dài, ruộng sạ, ruộng cấy chồng chéo nhau nên phải đi thuê người. Dẫu biết tốn kém những vẫn phải thuê để làm cho xong”, ông Nguyễn Tấn Thẩn, 56 tuổi, thôn Châu Tử nói. 
 
Những người đi cấy thuê trong vùng đa phần chưa có mạ để cấy hoặc đã cấy xong. Ngày mùa tất bật, công việc này huy động cả cánh đàn ông. Có hộ nhiều ruộng nhưng nhân lực ít, có hộ bận kinh doanh không có thời gian nên không ngần ngại chi tiền trả cho nhân công để có thời gian tập trung buôn bán.
 
Công việc tuy vất vả, cực nhọc giữa cái se lạnh của những ngày cuối năm nhưng người nông dân cấy thuê có thêm thu nhập, điều tiết lao động nông thôn. Năng suất, sản lượng sau mỗi vụ lúa cấy cũng chỉ đủ lấy công làm lời và có lúa gạo ăn quanh năm. Thế nhưng mỗi bao lúa chở về nhà sau vụ đông xuân được nông dân vùng trũng nâng niu hơn vì tốn không ít mồ hôi, công sức. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 
 

.