Vào mùa trồng rau tại nhà ăn Tết

08:01, 26/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Thời tiết giao mùa, khi những tia nắng ấm áp của mùa xuân dần ló dạng, những cơn mưa dầm dề nặng trĩu của mùa đông lùi xa, từ các vùng quê cho đến thành phố, mọi người cùng lui cui dọn vườn, trồng rau sạch. Nhà nhà í ới với nhau “tranh thủ chứ kẻo không kịp ăn Tết”.
 
Trồng rau “cứu mình”
 
Về xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa- nơi được ví là thủ phủ của hoa cúc ở miền Trung vào những ngày cuối tháng Chạp, không khí vô cùng tất bật và rộn rã để chuẩn bị tung ra thị trường những chậu hoa rực rỡ nhất.
 
Len lỏi đâu đó bên những con đường làng là những ngôi nhà với khung cảnh bình dị. Sắc vàng hoa cúc hòa cùng màu xanh mướt của các thửa rau vừa đâm chồi, báo hiệu mùa xuân sắp về trên mọi nẻo đường quê.
 
Mùa xuân- mùa có thời tiết thuận lợi cho cây cối phát triển. Năm nào cũng vậy, gia đình ông Đặng Minh Chính (63 tuổi), ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa dù có bận rộn đến mấy cũng lo mua vài trăm nghìn tiền hạt giống về trồng “vài chòm rau” ăn Tết. “Vài chòm” nhưng gộp lại cũng được nữa sào, với đủ các loại rau thông dụng.
 
Vườn rau của gia đình ông Chính.
Vợ ông Chính bón phân cho rau trong vườn nhà.
 
Trong khi ông Chính cặm cụi dọn cỏ để gieo thêm ăn sau Tết, vợ ông khéo léo bón phân cho từng luống rau vừa xuống giống cách đây khoảng hai tuần và chỉ thêm khoảng một tuần nữa là bắt đầu thu hoạch dần để ăn Tết.
 
Theo ông chính, ông trồng rau là để tự cứu lấy mình và gia đình. Dù biết mùa này rau ngoài chợ ít phun thuốc, vậy nhưng vẫn không an tâm vì không rõ nguồn gốc.
 
“Vì lợi nhuận nên đa số người trồng rau cứ phun xịt thuốc, bón phân vô tội vạ, cây rau nhìn xanh tốt nhưng ăn vào rất hại cơ thể. Lần nào mua ngoài chợ về ăn cũng bị đau bụng. Muốn mua rau sạch, an toàn phải ra siêu thị ở thành phố mới an tâm. Từ khi có vườn rau này, cả nhà cứ ăn rau thoải mái, chẳng phải lo ngại điều gì”- ông Chính tự tin nói.
 
Theo ông, ngày thường trồng ít hơn, nhưng đến Tết trồng lượng rau gấp hai, ba lần mới đủ cho gia đình đông người sử dụng. Mỗi mùa Tết, ông cũng thu hoạch được vài chục ký. Nhiều thì mang biếu bà con chòm xóm. 
 
“Mình cho rau, hàng xóm cho mớ thịt. Tết nhứt có chút quà qua lại vậy mà vui. Ở quê đất đai rộng rãi, cứ làm siêng là có ăn”, ông nói thêm. 
 
Nơi nào có đất, nơi đó có rau
 
Ở các vùng quê, việc trồng rau dễ dàng hơn vì đất đai rộng rãi, màu mỡ. Diện tích trồng rau ở thành phố hạn hẹp hơn. Thế nhưng, ở nhiều khu dân cư trong lòng thành phố, cứ “nơi nào có đất, nơi đó có rau”.
 
Chỉ cần một khoảnh đất nhỏ hay đơn giản là các bồn, chậu cây cảnh, các thùng xốp, nhiều người đã có thể xoay xở để có được một vườn rau cho gia đình.
 
Từ cuối tháng 11, đầu tháng Chạp Âm lịch, vào những buổi sáng sớm hay chiều muộn, đi dạo ở đường Trần Tế Xương, tổ dân phố 10, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), không khó để bắt gặp cảnh một số hộ gia đình quây quần bên nhau để xách nước tưới rau, nhổ cỏ, bón phân hay thu hoạch sản phẩm. 
 
Với các cụ hưu trí ở phố, trồng rau không chỉ có nguồn rau sạch, ngon để gia đình ăn Tết mà còn có cơ hội vận động tay chân, tạo cảnh quan cho khu phố.
Với các cụ hưu trí ở phố, trồng rau không chỉ có nguồn rau sạch, ngon để gia đình ăn Tết mà còn có cơ hội vận động tay chân, tạo cảnh quan cho khu phố.
 
Từ các cụ về hưu, công nhân viên chức cho tới các bà nội trợ đều có thể trở thành một nông dân thực thụ với những vườn rau xanh mơn mởn.
 
Trong số những vườn rau ở đây, người đi đường ai nấy cũng đều trầm trồ trước vườn rau của ông Nguyễn Tấn Giêng, nguyên là một lãnh đạo ngân hàng. 
 
“Ở cái tuổi hưu trí, niềm vui của tôi là hàng ngày tự tay trồng và chăm sóc những thửa rau xanh, ngon, sạch cho con cháu, người thân sử dụng mỗi ngày”, ông nói.
 
Khác với nhiều người, rau trồng xuống giống “bỏ dãi” đến khi thu hoạch về ăn. Riêng ông Giêng, ngày nào cũng đều dành thời gian vài tiếng chăm bẵm, bài trí, chăm sóc vườn rau một cách khoa học. Vì thế, ngoài chất lượng, dù là rau tự trồng, chỉ bón phân chuồng nhưng độ xanh mướt không thua kém một số vựa rau lớn.
 
Thành quả.
Đậu bắp...

Cà chua
... cà chua do chính người dân trồng ở phố.
 
Năm nào cũng vậy, từ thời điểm này, nhiều luống rau xanh nhà ông Giêng đã vào mùa thu hoạch để mang về chế biến thực phẩm, lo cúng giỗ, chạp, tất niên cuối năm.
 
“Chúng tôi may mắn vì dù đang sống ở khu đô thị nhưng vẫn còn khu đất trống nên việc trồng rau thỏa mái. Mọi người chia nhau ra trồng, tránh bỏ đất hoang, cây cỏ um tùm. Vừa có rau ngon ăn hàng ngày, tay chân được vận động mà góp phần tạo cảnh quan cho môi trường cho khu phố”, ông Giêng vừa nói xong thì vội lo chằng chống xung quanh để ngăn cản gà, chó chạy vào phá rau.
 
Cách đó khoảng vài trăm mét là những thửa rau của các bà nội trợ. Ban đầu chỉ có vài người trồng nhưng thấy hàng xóm trồng đẹp quá, mỗi mùa Tết nhà nhà lại “í ới” nhau cùng dọn cỏ, gieo hạt giống kẻo không kịp Tết.
 
Những ngày này, nơi đây rộn rã tiếng cười vui của các chị em với những câu chuyện phiếm, “tán dốc”, rồi cùng nhau chia sẻ giá cả hạt giống, mua ở đâu, mua bao nhiêu là đủ với diện tích rau, tưới nước bao nhiêu, bón phân ra sao cho đúng cách...
 
“Trồng rau là dịp để chúng tôi có những phút giây thư thái nhất bên xóm làng, sau bộn bề của công việc cơ quan, công ty, chăm sóc con cái. Mỗi người tự trồng một loại để cả xóm ăn chung với nhau. Hết đất trống thì trồng thùng xốp ở sân thượng. Đến Tết, cả xóm không lo thiếu rau sạch ăn”, chị Đặng Thị Chung, 42 tuổi, chia sẻ.
 
Chỉ cần bỏ ra khoảng 100- 200 nghìn là có thể mua đủ các loại hạt giống và bỏ thêm một ít công sức là mỗi gia đình đã có được một vườn rau chất lượng trong dịp Tết với đủ các loại rau xà lách, cải, mồng tơi, rau dền, dưa leo, cà chua, đậu bắp đến các loại rau thơm…
 
Bài toán giá cả leo thang, thực phẩm khó lường đã được giải bằng những đĩa rau xanh, sạch trên mâm cơm cuối năm của gia đình do chính tay người dân trồng từ thú vui tao nhã của mình. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.