Bình Sơn: Khai thác lợi thế để phát triển kinh tế biển

04:01, 13/01/2019
.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Là địa phương có bờ biển dài, với 2 cửa biển lớn, trong những năm qua, huyện Bình Sơn đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế biển và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo, huyện đã huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế biển. Nhờ đó, giá trị khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản hằng năm chiếm gần 50% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện...
 
Nhiều cơ sở thu mua, chế biến hải sản ở xã Bình Châu (Bình Sơn) đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Nhiều cơ sở thu mua, chế biến hải sản ở xã Bình Châu (Bình Sơn) đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Huyện còn đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế biển; khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại để vươn khơi xa khai thác hải sản. Toàn huyện hiện có 1.288 chiếc tàu, với tổng công suất 256.588CV.
 
Trong đó, đa phần là tàu có công suất lớn, hành nghề khơi xa. Trang thiết bị phục vụ khai thác thủy sản xa bờ ngày càng được đầu tư nâng cấp, đáp ứng phần lớn nhu cầu khai thác thủy sản của ngư dân. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm của Bình Sơn đạt hơn 44.400 tấn; có 6.400 lao động nghề cá...

Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, huyện Bình Sơn đã chỉ đạo thành lập Nghiệp đoàn nghề cá ở các xã Bình Châu, Bình Chánh và Bình Thạnh; thành lập 3 chi hội nghề cá ở xã Bình Châu, Bình Chánh và Bình Thuận; thành lập 66 tổ đoàn kết sản xuất trên biển... Việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, chi hội nghề cá và các tổ đoàn kết đã giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản ngày một hiệu quả hơn.

Đi đôi với việc chú trọng phát triển ngành nghề khai thác thủy sản, huyện Bình Sơn còn tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác lợi thế về sông, suối, ao hồ và vùng nước cửa sông, ven biển để nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh phủ bạt, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tôm kết hợp với nuôi cua, nuôi cá...

Ngoài khai thác và nuôi trồng thủy sản, lĩnh vực chế biến cũng được huyện Bình Sơn khuyến khích phát triển. Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản ngay tại địa phương. Các cơ sở chế biến thủy sản tập trung tại xã Bình Châu và Bình Chánh đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng biển.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm, dọc bờ biển Bình Sơn có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nên huyện đã khảo sát các điểm du lịch, các bãi tắm hiện có để phát triển du lịch. Qua khảo sát, huyện đã quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch, như khu du lịch Thiên Đàng, quy mô 286ha; khu du lịch Ba Làng An 5ha.
 
Huyện đã giới thiệu, xây dựng và đưa vào khai thác các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch, như bãi biển Lệ Thủy, làng tranh bích họa Gành Yến, bãi biển Châu Tân... làm điểm nhấn cho phát triển du lịch biển của huyện.

Bài, ảnh: BÁ SƠN
 

.