Sản xuất vụ đông xuân 2018-2019: Dự báo nông dân gặp nhiều bất lợi

02:12, 18/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ sản xuất đông xuân 2018 - 2019, dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, ngập mặn xâm nhập sớm, cùng với đó là tình hình sâu bệnh có khả năng diễn biến phức tạp...

TIN LIÊN QUAN

Nguy cơ hạn, mặn...

Vụ sản xuất đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh sẽ gieo sạ trên 38 nghìn hécta lúa, gần 3.800ha rau màu các loại... Hiện nay, dung tích nước hữu ích ở các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đều rất thấp, khoảng 30-40% so với thiết kế.

 

Giá phân bón các loại tăng mạnh, nên nông dân bị tăng áp lực chi phí sản xuất vụ đông xuân năm nay.
Giá phân bón các loại tăng mạnh, nên nông dân bị tăng áp lực chi phí sản xuất vụ đông xuân năm nay.


Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nhâm Xuân Sỹ cho biết: Do tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2018 đến nay chỉ đạt khoảng 60% và mùa mưa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên có khả năng kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Vì vậy, nguồn nước trên các sông, suối cũng thấp hơn 30-35% so với TBNN. Cùng với đó, hiện tượng El Nino dự báo sẽ xuất hiện từ cuối năm 2018, gây hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển, trong đó có tỉnh ta.

“Năm 2019 được dự báo sẽ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Sở NN&PTNT sẽ bố trí lịch thời vụ hợp lý, triển khai chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật; chính quyền các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp tích nước, giữ nước; đồng thời tuyên truyền người dân tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống, nhằm tránh thiệt hại do thiên tai”.


Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TRẦN NGỌC THƯƠNG


Theo kế hoạch, vụ sản xuất đông xuân 2018-2019 sẽ xuống giống từ 20.12.2018 đến 5.1.2019. Mặc dù lịch thời vụ đã được Sở NN&PTNT tính toán kỹ, nhưng chính quyền một số địa phương và nông dân vẫn băn khoăn. “Đã qua 23.10 âm lịch, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có lụt. Vì vậy, gieo sạ sớm sẽ giúp cây lúa không bị thiếu nước cuối vụ”, ông Trần Chinh, ở xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) lo lắng nói. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, lịch thời vụ sản xuất đông xuân đã được ngành tính toán kỹ và đã đưa ra cơ cấu giống, nên nông dân cần tuân thủ.
 

Hiện tại, giá giống, phân bón và vật tư nông nghiệp tăng mạnh. Cụ thể, phân Urê Phú Mỹ tăng 70.000 đồng/bao 50kg, NPK tăng 20.000 đồng/bao 50kg, Ka li tăng 30-40.000 đồng/bao 50kg, NPK Bình Điền tăng 20.000 đồng/bao 50kg, phân lân tăng 10.000 đồng/bao 50kg... Giống lúa các loại tăng từ 500 -1.000 đồng/kg...

Dịch bệnh có khả năng nhiều hơn

Theo ngành nông nghiệp, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trong vụ sản xuất đông xuân sẽ nhiều hơn mọi năm. Nguyên nhân, do thời gian nghỉ giữa vụ kéo dài gần 4 tháng, nhưng không có mưa lớn, ruộng bị cỏ dại, lúa chét phủ kín. Tuy nhiên, thay vì vệ sinh đồng ruộng bằng các biện pháp thủ công, thì nông dân trong tỉnh lại phun thuốc diệt cỏ! Điều này chẳng những gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn khiến cỏ dại có nguy cơ bùng phát, vì "nhờn thuốc".

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu năn và bệnh đạo ôn là các đối tượng gây hại đáng lo ngại nhất trong vụ sản xuất đông xuân 2018-2019. Do đó, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng trừ, như ra quân diệt chuột, diệt cỏ dại, đảm bảo mật độ giống gieo sạ hợp lý, bón phân cân đối, thì thời điểm này nông dân cần tích cực ra quân làm đất. “Cày ải và phơi đất là một giải pháp kỹ thuật ưu việt, ngoài việc cải tạo hệ vi sinh vật, tăng cường lượng ô xy trong đất, còn có tác dụng giải phóng các loại chất, khí độc gây hại cho cây trồng. Mặt khác, cày ải còn có tác dụng diệt được cỏ dại và mầm mống sâu bệnh tồn dư từ vụ trước chuyển sang”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Bá khuyến cáo.   


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.