Phát triển nghề khai thác viễn dương: Chưa thu hút ngư dân

06:12, 01/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù chính sách hỗ trợ khá hấp dẫn, nhưng Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước (Đề án), hiện chưa thu hút nhiều ngư dân trong tỉnh tham gia.

TIN LIÊN QUAN

“Khai thác viễn dương thì tàu cá phải có công suất lớn, trang thiết bị thông tin liên lạc, công nghệ dò tìm hải sản và bảo quản... cũng cần hiện đại. Vì thế, chi phí đầu tư một chiếc tàu như thế sẽ rất lớn, trong khi hiệu quả khai thác thì... chưa biết như thế nào”, ngư dân Nguyễn Văn Tình, xã Phổ Châu (Đức Phổ) bày tỏ. Ngoài ra, công tác vận hành và quản lý cũng là rào cản với ngư dân và doanh nghiệp (DN) khi tham gia Đề án.

 

Nhiều tàu cá của ngư dân trong tỉnh th
Nhiều tàu cá của ngư dân trong tỉnh thiếu các trang thiết bị, nên chưa đủ năng lực để tham gia khai thác viễn dương.


Đội tàu có khả năng khai thác viễn dương, đảm bảo hoạt động hiệu quả ở vùng biển nước ngoài phải hội đủ nhiều yếu tố về cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, trình độ nguồn nhân lực... Riêng đội ngũ thủy thủ, thuyền trưởng phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, năng lực làm việc và kỹ năng vận hành.

Trong khi đó, đội tàu của Quảng Ngãi còn lạc hậu về công nghệ khai thác, non yếu về trình độ cũng như kỹ năng vận hành và quản lý; còn lực lượng lao động biển thì chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khai thác viễn dương. “Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, Đề án khó khả thi”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn cho biết.

Một vấn đề nữa là, các nước có thỏa thuận hợp tác về nghề cá với Việt Nam, như: Brunei, Papua New Guinea và Micronesia chỉ khuyến khích phát triển nghề câu cá ngừ đại dương và đánh bắt dòng cá nổi, trong khi ngư dân trong tỉnh lại thích khai thác hải sâm! Hơn nữa, khi khai thác viễn dương, ngư dân phải đóng thuế tài nguyên cho nước sở tại. Ví dụ, thuế tài nguyên mà Brunei áp dụng cho nghề câu cá ngừ đại dương là 5.000 - 8.000 USD/ngày (tương đương 120-170 triệu đồng/ngày).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị chuyên môn và ngư dân trong tỉnh, nguồn lợi cá ngừ đại dương ở Brunei không hơn gì ngư trường trong nước, trong khi quãng đường di chuyển lại xa gấp đôi. Vì vậy, ngoài tốn kém chi phí đi lại, các tàu cá còn phải đầu tư công nghệ bảo quản hiện đại, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhằm giảm tổn thất và tăng giá bán.

“Nguồn lực và nhận thức hạn chế, ngư dân trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đầu tư và ứng dụng các công nghệ bảo quản hiện đại, nên giá bán cá ngừ đại dương còn thấp. Chính vì vậy, ở các ngư trường truyền thống, ngư dân khai thác cá ngừ đại dương miễn phí, nhưng vẫn bị thua lỗ, thì khi khai thác ở nước ngoài, họ lấy gì để đóng thuế?”, ông Phùng Đình Toàn cho biết.

Phát triển nghề cá viễn dương là cần thiết, vì nguồn lợi hải sản ở các ngư trường truyền thống đang dần suy giảm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Đề án cần tính toán chặt chẽ và thận trọng, vì ngư dân chưa quen với ngư trường, điều kiện thời tiết, phong tục tập quán... ở vùng biển lạ, nên sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với khai thác hải sản ở các ngư trường truyền thống.

Ngoài ra, ngư dân chưa nắm bắt cụ thể trữ lượng nguồn lợi hải sản của các nước, nên nếu đưa nhiều tàu sang khai thác thì liệu sản lượng có như mong đợi? Thị trường nước sở tại có đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng hải sản của tàu Việt Nam sang khai thác? Đây là vấn đề mà ngành chức năng cần thông tin cho ngư dân.

Bên cạnh đó, để Đề án hấp dẫn ngư dân và DN, bên cạnh việc ký kết hợp tác với các nước, khảo sát trữ lượng nguồn lợi, thị trường tiêu thụ... nhà nước cần đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực. Bởi chỉ cần có vốn, sẽ hình thành đội tàu công suất lớn hiện đại, nhưng để đào tạo thủy thủ đáp ứng năng lực và trình độ khai thác viễn dương phải mất 5 năm và thêm 10 năm nữa để từ thủy thủ thành thuyền trưởng.  

 

Chính sách hỗ trợ hấp dẫn


Tổ hợp chuỗi liên kết doanh nghiệp – chủ tàu – ngư dân xuất ngoại, khai thác viễn dương sẽ được Nhà nước hỗ trợ một lần 100% chi phí nhiên liệu 1 chuyến đi (1 lượt đi); hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu và 100% bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá... Ngoài ra, các đơn vị tham gia sẽ được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ vốn lưu động cho mỗi chuyến biển, với lãi suất thấp nhất...

 


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.