Mộ Đức: Điểm sáng trong thu hút đầu tư

09:12, 08/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Mộ Đức đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của địa phương, như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, dịch vụ... bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

TIN LIÊN QUAN

Tín hiệu khả quan

Trên địa bàn huyện Mộ Đức hiện có 2 cụm công nghiệp là Quán Lát và Thạch Trụ, với 20 dự án (DA) đăng ký đầu tư và có 11 doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, kiêm Giám đốc Ban Quản lý các CCN huyện Phạm Ngọc Lân cho biết: Ngoài công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư, huyện còn mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, mở rộng diện tích CCN... với tổng vốn đầu tư 21 tỷ đồng. Nhờ đó, các DN an tâm đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 10.2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại hai CCN đạt khoảng 250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động.

 

 Mô hình trồng măng tây của Công ty TNHH MTV Minh Tuấn tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức.                                 Ảnh T.Nhị
Mô hình trồng măng tây của Công ty TNHH MTV Minh Tuấn tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Ảnh T.Nhị


Ngoài thu hút đầu tư vào các CCN, huyện Mộ Đức còn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ngoài CCN. Đến nay, huyện đã thu hút được 29 DA đăng ký đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 2.253 tỷ đồng. Tiêu biểu như: DA Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi được UBND tỉnh cho phép đầu tư tháng 9.2017, quy mô đầu tư 125ha, công suất thiết kế nuôi 4.000 con bò sữa, sản xuất 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu/năm; tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam làm chủ đầu tư. Tháng 10.2018, DA chính thức khởi công xây dựng mặt bằng, hàng rào, nhà bảo vệ tại xã Đức Phú và Đức Hòa.
 

“Thành công của huyện Mộ Đức là nhờ địa phương có những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, vượt trội so với các địa phương khác. Đây là điểm sáng của tỉnh trong thu hút đầu tư các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu, về lâu dài, tập thể lãnh đạo huyện và người dân cần phải có quyết tâm cao hơn nữa. Trong đó, cần có thêm nhiều hơn nữa những cơ chế thu hút đầu tư, vận dụng có hiệu quả nguồn lực đang có, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp sạch, thủy sản”.


Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN NGỌC CĂNG

Dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức, quy mô gần 21ha, tổng vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư nuôi trồng HSCB làm chủ đầu tư. DA này đầu tư nuôi bò, trồng nha đam, dưa lưới, táo xanh, nho và sản xuất phân trùn quế... Hiện tại, việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, chủ đầu tư đang liên kết với hộ nông dân trồng cỏ; xây dựng hàng rào, chuồng bò. Theo kế hoạch, cuối năm 2018, đầu năm 2019 sẽ đưa bò về nuôi và trồng nha đam.

Tiến độ triển khai còn chậm

Trong số 10 DA thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp ở Mộ Đức, hiện chỉ có khoảng 5 DA tích cực triển khai thực hiện. Số còn lại do gặp khó khăn về mặt bằng, chủ đầu tư thiếu quyết tâm, thậm chí bỏ lửng khi đã được tỉnh cấp quyết định đầu tư. Đơn cử là DA sản xuất rau, củ quả và dược liệu công nghệ cao, quy mô 11,3ha, tổng vốn hơn 27 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV nông nghiệp công nghệ cao Nông Hưng Phát làm chủ đầu tư, tại thị trấn Mộ Đức. UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư từ tháng 12.2017, nhưng hiện nhà đầu tư vẫn chưa liên hệ với chính quyền để thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng.

Dự án Trang trại chăn nuôi bò thịt Trà Giang của ông Huỳnh Quang Lập, tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ đồng, tổng diện tích 10ha. Các sở, ngành và chính quyền đã hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, song đến thời điểm này nhà đầu tư không thực hiện theo hướng dẫn...

 Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho biết: Một số DA chậm triển khai là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn; việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất phải qua nhiều thủ tục; thiếu cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; một số DA chủ đầu tư không có năng lực...  Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường hỗ trợ DN, tiếp tục kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, gắn phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp với du lịch sinh thái, tạo ra hiệu quả thực sự trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


          L.ĐỨC - T.NHỊ


 


.