Hạ tầng giao thông ở Sơn Tây: Cần nguồn lực đầu tư

08:12, 17/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, các tuyến đường dẫn về trung tâm các xã trên địa bàn huyện Sơn Tây đã được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, phần lớn các tuyến đường vẫn còn là đường đất, nên việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Đi thực tế tại các xã phía đông nam huyện, như xã Sơn Màu, Sơn Tinh, Sơn Lập... chúng tôi nhận thấy hạ tầng giao thông (HTGT) tại các xã phần lớn chưa đảm bảo. Hiện nay, tuyến đường huyện DH83 đã hư hỏng, đèo dốc quanh co; các tuyến đường dẫn vào khu sản xuất, khu dân cư đa phần là đường đất. Để tăng tính kết nối 3 xã này với đồng bằng, huyện Sơn Tây đề xuất đầu tư tuyến đường Sơn Tinh-Sơn Thượng, dài khoảng 10km, nhưng chỉ mới cứng hóa được 1/2 tuyến đường, còn lại vẫn là đường đất.

 

Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Sơn Tây chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của huyện.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Sơn Tây chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của huyện.


Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết: Đến nay, ngoài các tuyến đường nội vùng khu tái định cư Anh Nhoi 1, 2 và tuyến đường Đông Trường Sơn qua địa bàn huyện được cứng hóa, còn lại là đường đất. “Nếu một hecta keo ở đồng bằng người dân khai thác chỉ trong 1 ngày là xong và đưa lên xe chở đến nhà máy dăm để bán, thì ở đây phải qua vài lượt trung chuyển, do đường giao thông chưa đảm bảo”, ông Vượt nói.

Trong khi đó, tuyến đường DH86 và tuyến đường Trung tâm Y tế -Gò Lã, qua địa bàn xã Sơn Dung nhiều năm qua bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là sau đợt mưa lũ năm 2017, khiến giao thương bị tê liệt, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển hàng nông, lâm sản của người dân.

Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sơn Tây Bùi Đức Thạch cho biết: Thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là HTGT và hạ tầng đô thị, đến nay toàn huyện đã thảm nhựa, cứng hóa 64,4/122,3km đường huyện. Trong đó, ưu tiên cứng hóa các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm 9/9 xã. Đối với hệ thống đường xã đã thảm nhựa, cứng hóa được 33,7/64km. Riêng đường thôn, xóm dài hơn 105km, đến nay mới cứng hóa đạt 9,1%.

Ưu thế của huyện Sơn Tây là có đường Đông Trường Sơn chạy cắt ngang qua 5/9 xã và tuyến Tỉnh lộ 623 được đầu tư nâng cấp mở rộng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng thì hai trục đường huyết mạch này chỉ giải được 1/4 bài toán về phát triển HTGT của huyện. Bởi Tỉnh lộ 623 chỉ đáp ứng về lưu thông giữa huyện với các địa phương đồng bằng là chính, còn việc vận chuyển hàng hóa lớn rất khó khăn. Đối với trục đường Đông Trường Sơn chỉ mới đoạn qua địa bàn huyện, còn lại việc kết nối với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam vẫn chưa thông tuyến.

"Thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, huyện Sơn Tây đã đề ra 10 nhiệm vụ và 4 giải pháp; phấn đấu đến năm 2020 nhựa hóa, cứng hóa 70% đường huyện, nâng cấp 40% khối lượng các tuyến đường huyện và cứng hóa 50% đường xã, thôn. Tuy nhiên, do nguồn lực của huyện có hạn, nên việc đầu tư hoàn thiện HTGT của huyện hết sức khó khăn. Huyện kiến nghị UBND tỉnh, trung ương ưu tiên bố trí vốn đầu tư HTGT, để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt, giúp Sơn Tây sớm thoát khỏi huyện nghèo”, ông Tùng nói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.