Hiệu quả từ đường băng xanh

11:11, 05/11/2018
.

Ông Nguyễn Đại.
Ông Nguyễn Đại.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện đường băng xanh cản lửa, kết hợp phân định ranh giới giữa các loại rừng trên địa bàn các huyện Minh Long, Ba Tơ, Tây Trà, Tư Nghĩa và Đức Phổ. Để hiểu rõ hơn về công tác này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại.

PV: Thưa ông, đường băng xanh được hiểu như thế nào và kết quả thực hiện trong thời gian qua thế nào?

Ông Nguyễn Đại: Đường băng xanh là những băng được trồng cây hỗn giao, có kết cấu nhiều tầng. Khi thực hiện đường băng xanh, tùy theo thổ nhưỡng, địa hình, chúng tôi chọn những loài cây gỗ lớn như lim xanh, sao đen, muồng đen... để trồng. Ngoài việc tạo ranh giới giữa các loại rừng, đường băng xanh có tác dụng ngăn cháy ở mặt đất và cháy lướt trên tán cây. Đường băng xanh không chỉ có tác dụng ngăn cản lửa, mà còn dùng để lực lượng, phương tiện di chuyển khi xảy ra cháy rừng, tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, thu hoạch rừng...

Năm 2018, UBND tỉnh giao trồng 141ha rừng, tương đương với khoảng 71,5km đường băng xanh. Về nguyên tắc thiết kế, đường băng rộng 20m, bám sát ranh giới ngoài thực địa, cũng như trong bản đồ theo Quyết định 2480 của tỉnh về phân định ranh giới quy hoạch giữa 3 loại rừng (phòng hộ, sản xuất và đặc dụng). Sau khi quy hoạch, tiến hành cắm mốc ngoài thực địa, song do chiều cao cột mốc bê tông chỉ 60-80cm (tính từ mặt đất trở lên), nên rất khó nhận biết giữa các loại rừng. Vì thế, khi xảy ra vi phạm đòi hỏi phải dùng các loại máy định vị mới biết được đâu là rừng phòng hộ, đâu là rừng sản xuất. Nhưng khi xây dựng đường băng phân định ranh giới, chỉ cần bằng mắt thường cũng nhận biết được, giúp công tác quản lý được thuận lợi.


PV: Để phát huy đường băng xanh trong công tác trồng và quản lý rừng, cần tiếp tục triển khai những công việc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đại: Để làm được đường bằng xanh, chúng tôi thực hiện trong một chu kỳ dài, vì nhu cầu phân định ranh giới bằng đường băng xanh trên địa bàn tỉnh là rất lớn, với khoảng 2.000km. Trước mắt, chúng tôi sẽ chọn những khu vực rừng có tranh chấp, nguy cơ xâm hại cao để làm trước, sau đó sẽ thực hiện đại trà. Tuy nhiên, việc thực hiện này cũng vấp phải một số khó khăn, do diện tích đất làm đường băng xanh hiện bị một số người dân canh tác, nên trong quá trình thực hiện phải nhiều lần xuống tận cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền cho người dân biết để nhường lại diện tích đất này để làm đường băng xanh.

Mục tiêu trồng đường băng xanh là để phân biệt ranh giới, kết hợp với phòng cháy, chữa cháy. Hiện nay đã có quy chế quản lý rừng phòng hộ và rừng sản xuất, nhưng nhiều khu vực rừng chưa phân biệt được trên thực địa, gây nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn xâm hại tài nguyên rừng. Vì vậy, sau khi có đường băng xanh, việc quản lý của các cơ quan chức năng sẽ thuận lợi hơn. Nếu xảy ra xâm hại rừng, đối tượng phá hoại cũng không có lý do để “biện minh” là không biết đâu là rừng phòng hộ, đâu là rừng sản xuất.

Việc quy hoạch, thực hiện đường băng xanh là nhằm thực hiện tốt công tác lớp bảo vệ rừng từ xa. Đây cũng là hướng đi được Nhà nước khuyến khích, vì việc cắm mốc phân định ranh giới theo kiểu truyền thống chưa thực sự phát huy hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!


NGỌC VIÊN
 (thực hiện)
 


.