Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đăkđrinh: Chưa thực hiện đúng cam kết với dân

03:11, 29/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án Thủy điện Đăkđrinh nằm trên địa bàn huyện Sơn Tây, do Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án đã vận hành phát điện 5 năm nay, nhưng "nhiều khoản nợ" với người dân vùng dự án vẫn chưa giải quyết xong.

TIN LIÊN QUAN

Làng "cô lập”

Khu dân cư (KDC) Nước Đốp (xã Sơn Long), mặc dù không thuộc diện di dời để thi công Thủy điện Đăkđrinh, nhưng vì khu này nằm bên kia hồ chứa nước của thủy điện, nên khi tích nước, người dân mất hết đường đi lại. Chủ đầu tư công trình này cam kết sẽ làm đường giao thông, kéo điện, xây trường học để người dân sinh hoạt ổn định tại chỗ, với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm đưa công trình đi vào hoạt động, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện cam kết này.

 

Đường về Khu dân cư Nước Đốp, xã Sơn Long (Sơn Tây).
Đường về Khu dân cư Nước Đốp, xã Sơn Long (Sơn Tây).


Chúng tôi về KDC Nước Đốp vào những ngày cuối tháng 11.2018, sau vài trận mưa không lớn, nhưng con đường đã tắc nghẽn do bùn lầy và nước suối dâng cao. Anh Đinh Văn Luông, người dân ở KDC Nước Đốp cho biết: "Lúc nắng thì đi lại tạm được, nhưng khi mưa xuống là lầy lội và nước suối chảy mạnh, nên không ai dám đi". Không có con đường về làng, các công trình khác như điện, trường cũng chưa được triển khai xây dựng, vì không có đường vận chuyển vật liệu.

KDC Nước Đốp có khoảng 40 hộ dân, sống chủ yếu dựa vào trồng keo, mì. Đến mùa thu hoạch, người dân nơi đây phải thuê ghe chở vượt lòng hồ thủy điện đi bán, nhưng tiền thuê ghe nhiều hơn tiền bán nông sản, nên nhiều hộ dân bỏ không thu hoạch. Anh Đinh Văn Công, một hộ dân ở đây cho biết: "Dân làm keo, mì thu hoạch không có người mua, nên nhiều nhà không có tiền mua gạo. Làm lại nhà để ở cũng mất  mấy tháng trời mà chưa xong, vì không có đường để chở vật liệu".
 

"Hiện nay, nhiều diện tích đất của dân đã thu hồi làm thủy điện vẫn chưa được bồi thường đầy đủ. Các chế độ chính sách, như hỗ trợ gạo đối với người mất đất sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân cư bị ảnh hưởng dự án cũng chưa được chủ đầu tư triển khai. Huyện và tỉnh làm việc rất nhiều lần với chủ đầu tư, cơ quan chủ quản, nhưng cũng chỉ được trả lời là công trình đang thu xếp vốn".


Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây
LÊ VĂN TÙNG

Người dân tiếp tục phải chờ

Thủy điện Đăkđrinh xây dựng từ năm 2007, đến cuối năm 2013 thì phát điện. Theo UBND huyện Sơn Tây cho biết: Chủ đầu tư công trình này vẫn còn nợ dân đến 70 tỷ đồng. Trong đó, tiền làm đường giao thông, trường học tại vùng tái định cư và vùng ảnh hưởng bởi thủy điện, như KDC Nước Đốp hơn 40 tỷ đồng và 30 tỷ đồng bổ sung chi trả tiền bồi thường. Huyện Sơn Tây đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện đúng cam kết.

 Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh Đặng Hữu Thắng cho biết: "Năm 2014, công ty đã bổ sung xây dựng 15km đường giao thông, điện, trường học cho KDC Nước Đốp, nhưng chưa làm được vì không có tiền. Nguyên nhân, do tổng vốn đầu tư thủy điện bị đội vốn lên 1.000 tỷ đồng, từ 4.900 tỷ lên 5.900 tỷ. Công ty phải trình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để điều chỉnh tổng mức đầu tư mới và đang chờ phê duyệt".

Được biết, đầu năm 2017, trong cuộc làm việc với chủ đầu tư Thủy điện Đăkđrinh, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư phải giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng, nếu không thì phải dừng phát điện. Tuy nhiên, chủ đầu tư lấy lý do là chưa được tập đoàn phê duyệt tổng mức đầu tư mới, nên chưa thể bố trí kinh phí trả nợ được.

Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt tổng mức mới vào tháng 11.2017, thì chủ đầu tư lại lấy lý do khác để trì hoãn. Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh Đặng Hữu Thắng lý giải: "Sau khi phê duyệt tổng mức đầu tư mới thì việc bố trí vốn lại rơi vào bế tắc, công ty không thu xếp được nguồn vốn. Khả năng là quý I/2019 mới có nguồn để trả món nợ này".

Vì chủ đầu tư Thủy điện Đăkđrinh chưa trả nợ, nên chính quyền không có vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho người dân vùng dự án, khiến cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh và UBND huyện Sơn Tây làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý dứt điểm khoản nợ trên.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.