Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất: Triển khai quá chậm

10:10, 09/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lúng túng trong xây dựng mô hình chuỗi liên kết là nguyên nhân dẫn đến nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) có nguy cơ giải ngân không hết...

Nhiều địa phương lúng túng

 Để được thụ hưởng nguồn vốn trên, các xã phải xây dựng dự án phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi. Tức là, nông dân, doanh nghiệp (DN) phải liên kết từ khâu cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, một số địa phương chỉ xây dựng mô hình khuyến nông, nên chỉ có nông dân tham gia. Dù biết liên kết chuỗi sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong sản xuất, nhưng do đây là mô hình mới, nên các địa phương rất lúng túng, nhất là việc tìm kiếm DN tham gia.

 

Để sản xuất bền vững và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ổn định thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp.
Để sản xuất bền vững và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ổn định thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp.


Kinh phí hỗ trợ từ 300-500 triệu đồng/xã, nhưng để thực hiện đòi hỏi nhiều thủ tục và thời gian. Sau khi xã xây dựng và thuyết minh dự án, huyện phải thành lập Hội đồng thẩm định trước khi phê duyệt. “Đây là năm đầu tiên thực hiện việc xây dựng dự án liên kết chuỗi, nên các địa phương gặp nhiều lúng túng, trong khi Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh thì chậm triển khai, hướng dẫn các nội dung liên quan”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Nguyễn Tấn Lái cho biết. Vì lẽ đó, đến nay, huyện Đức Phổ mới có 50% số xã hoàn thành việc thuyết minh dự án.
 

Năm 2018, tỉnh phê duyệt nguồn vốn 35 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc chương trình xây dựng NTM. Theo đó, hỗ trợ 300 triệu đồng/xã cho 69 xã đạt tiêu chí số 10, hỗ trợ 500 triệu đồng/xã cho 29 xã chưa đạt tiêu chí số 10 (tiêu chí về thu nhập).

Nguy cơ bị điều chuyển vốn

Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long cho rằng: “Các địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Việc xây dựng dự án phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết không mới, chỉ cần địa phương chủ động là được, nhất là cấp huyện”.

Theo ông Long, do chính quyền cấp xã hạn chế trong việc tiếp cận thị trường, lựa chọn và thu hút DN, nên cần sự định hướng, hỗ trợ thông tin của huyện. Nơi nào lãnh đạo huyện quan tâm, thì các xã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất đảm bảo thời gian và chất lượng, mà Mộ Đức là một trong những điển hình.

Năm 2018, huyện Mộ Đức phê duyệt 15 dự án phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tập trung ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, tổng kinh phí thực hiện 3,8 tỷ đồng. Tất cả các sản phẩm sản xuất trong chuỗi liên kết đều được DN cam kết tiêu thụ 100%. Đến nay, Mộ Đức cũng là huyện duy nhất trong tỉnh đã phê duyệt dự án phát triển sản xuất, dịch vụ nâng cao thu nhập cho người dân.

Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Thị Tường Mai chia sẻ: Trước đây, huyện đã định hướng cho các địa phương phát triển chuỗi liên kết. Do đó, khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư năm 2018, các địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện ngay; huyện cũng hỗ trợ các địa phương xây dựng dự án, giới thiệu DN...   

“Trước thực trạng trên, bên cạnh đôn đốc các địa phương khẩn trương xây dựng và phê duyệt dự án, chúng tôi cũng sẽ theo dõi tiến độ giải ngân để kịp thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét chuyển vốn. Vì nếu bị cắt vốn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả xây dựng NTM của tỉnh”, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long cho biết.


Bài, ảnh: MỸ HOA




 


.