Rau VietGAP: Bấp bênh đầu ra

11:10, 26/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quy trình sản xuất chặt chẽ, có nhật ký hoạt động, nhu cầu thị trường lớn... thế nhưng nhiều nông dân trồng rau an toàn (RAT) tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) vẫn phải đưa rau ra chợ bán chung với các loại rau khác.

TIN LIÊN QUAN


Ông Tống Trình, một trong những xã viên tham gia trồng RAT, cho biết: "Từ khi vào HTX rau Sông Trà, nhà tôi có 2 sào đất để trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, sản lượng thu được phải đem ra chợ bán. Giá RAT cũng chỉ bằng giá rau bình thường, thậm chí còn thấp hơn. Công sức trồng RAT lớn hơn gấp nhiều lần, phải tuân thủ quy chuẩn nghiêm ngặt, có nhật ký giám sát từng luống... Mất công vậy mà không đảm bảo đầu ra, nên người dân ở đây nhiều khi nản lắm!".

 

Dù đã có thương hiệu, nhưng đầu ra sản phẩm rau VietGAP của HTX rau Sông Trà vẫn bấp bênh.
Dù đã có thương hiệu, nhưng đầu ra sản phẩm rau VietGAP của HTX rau Sông Trà vẫn bấp bênh.


Phó Giám đốc HTX rau Sông Trà Nguyễn Du cho biết, từ năm 2016-2017, hoạt động của HTX ổn định, đã xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, đặt cửa hàng bán RAT với sản lượng 2 tạ/ngày, đảm bảo thu nhập cho xã viên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, sức tiêu thụ RAT hằng ngày quá ít, không đủ ngày công, chi phí vận chuyển, nên hiện tại HTX đã tạm dừng hoạt động.

Vùng sản xuất RAT tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2014. Khi đó, HTX có 44 xã viên tham gia sản xuất RAT, với diện tích 10,22ha; sản lượng đạt 800 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện giờ HTX rau Sông Trà chỉ quản lý 5 sào, còn lại người dân tự trồng, tự tiêu thụ.

Khó khăn lớn nhất cho đầu ra của rau tiêu chuẩn VietGAP là tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng rẻ và chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, trong khi thị trường vẫn còn lẫn lộn giữa rau an toàn với rau sản xuất theo kiểu truyền thống. Ngoài ra, muốn đưa được rau VietGAP vào siêu thị, nhà hàng thì phải có nhãn mác, thương hiệu, mà để làm được điều này thì phải tốn thời gian và chi phí, trong khi sản lượng tiêu thụ hiện không lớn.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP là hướng đi đúng, nhằm nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, để tiến tới nền nông nghiệp sạch, bền vững, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích từ sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Ngoài ra, để giải quyết khâu kết nối lưu thông, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc tổ chức mạng lưới nông sản, giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất.


Bài, ảnh: TRUNG ÂN



 


.