Phụ nữ Hrê học nhau cách thoát nghèo

08:10, 31/10/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Bằng sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, những người phụ nữ Hrê ở thôn Làng Giấy- Dốc Mốc 1, Ba Cung (Ba Tơ) đã cùng nhau vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình với cách làm hay, nhờ biết vận dụng giống cây trồng, vật nuôi vốn là thế mạnh của địa phương.
 
 
Vườn ươm- nảy chồi sung túc
 
Đến với Làng Giấy- Dốc Mốc 1 ngày nay, một điều rất dễ nhận thấy đó là những vườn ươm keo giâm hom phủ màu xanh mướt từ đầu thôn đến cuối xóm. Mới nhìn thoáng qua thì ít ai biết rằng, để có những vườn ươm xanh tốt như ngày hôm nay đó là sự nỗ lực đáng kể của những người phụ nữ Hrê nơi đây.
 
Chị Phạm Thị Cành thôn Làng Giấy- Dốc Mốc 1, xã Ba Cung là một điển hình như thế, chị cũng là một trong số phụ nữ Hrê đầu tiên làm vườn ươm ở trong thôn. Giai đoạn trước năm 2013, chị Cành làm thuê cho công ty lâm nghiệp Ba Tơ, với số tiền thu nhập ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, cảnh nhà luôn trong cảnh túng thiếu, nên giấc mơ về một cuộc sống thoải mái hơn luôn thao thúc người phụ nữ này. 
 
 
Chị Phạm Thị Cành
Chị Cành với những cách làm kinh tế hay đem lại thu nhập cao cho gia đình
 
 
Lúc bấy giờ, nhận thấy phong trào trồng rừng trên địa bàn xã cũng như các vùng lân cận đang phát triển mạnh, mà những vườn ươm trong xã lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu, nên nhiều hộ phải mua giống từ ở nơi khác về trồng, chị Cành bèn bàn bạc với chồng mở ngay vườn ươm keo lai. 
 
Nghĩ là làm, chị dồn hết sức, vay mượn tiền vun đắp vào vườn ươm hơn 2 sào của mình và nhanh chóng thu được thành quả. Trung bình mỗi năm, chị ươm khoảng 120 ngàn cây giống, với giá bán từ 500 đồng/cây giống, sau khi trừ chi phí mỗi năm chị thu về hơn 40 triệu đồng.
 
“Làm vườn ươm cũng không có gì cực lắm, lúc trước đi làm mướn thấy họ làm rồi mình học theo, khỏe hơn là làm ruộng nhiều. Thu nhập gia đình cũng ổn định hơn từ khi có vườn ươm này” chị Cành chia sẻ.
  
Không dừng lại ở đó, chị còn kết hợp chăn nuôi và trồng rừng, đến nay gia đình chị đang sở hữu đàn trâu 6 con trưởng thành cùng với gần 8ha keo nguyên liệu, cứ 5 năm cho thu hoạch 1 lần. Nhờ đó gia đình chị đã có cuộc sống ấm no, có của ăn của để, con cái được ăn học hành đàng hoàng. Ngoài làm giàu cho gia đình, chị còn tạo việc làm ổn định cho một số chị em trong thôn, xã, ai có nhu cầu học hỏi cách làm chị đều chia sẻ tận tình.
 
Cách nhà chị Cành không xa đó là nhà của chị Phạm Thị Thủy, một hộ làm vườn ươm khác trong thôn. Chúng tôi gặp chị Thủy khi chị vẫn đang tất bật công việc sửa sang nhà cửa, mở rộng gian bếp và xây mới chuồng trại sẵn sang cho đợt chăn nuôi tiếp theo. 
 
 
vườn ươm
vườn ươm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà chị Thủy
 
 
Ngó sang bên nhà là vườn ươm keo lai với những bịch cây con được xếp thành luống thẳng tắp. Chị Thủy cho biết, lúc trước chị không có nghề nghiệp gì nên lấy chồng về cuộc sống càng khó khăn hơn, qua thời gian đi làm thuê tại các vườn ươm chị nắm được cách làm, với lại thấy nhiều hộ đi trước thành công nên chị quyết định thế chấp sổ đỏ vay vốn làm vườn ươm và dùng số tiền còn lại để sửa sang chuồng trại, mua thêm 12 con heo về nuôi và thả vườn hơn 40 con gà re. 
 
Nhờ sự chịu khó, cần cù nên vườn ươm của chi phát triển tốt được nhiều người đặt cây giống, đàn heo lớn nhanh, thu nhập gia đình dần ổn định. Hai năm nay, vườn ươm của chị vẫn đều độ xuất bán 4-5 đợt cây giống /năm, với mỗi đợt bán hàng chục ngàn cây, mang về thu nhập đáng kể cho gia đình. Vì thế, chị Thủy nhanh chóng đã trả hết nợ và dành dụm tiền sửa sang nhà cửa khang trang hơn. Chị Thủy còn cho biết, trong thời gian tới chị sẽ mở rộng vườn ươm hơn nữa.
 
Vươn lên từ những đồng vốn vay
 
Nổi tiếng là người tiên phong trong cách làm kinh tế giỏi ở Ba Cung, chị Phạm Thị Kiếu, chia sẻ: vợ chồng mới lấy nhau về nên cuộc sống rất khó khăn, nhân lúc có nguồn vốn vay ưu đãi nên mình quyết định vay để làm ăn, bắt đầu từ nuôi 20 con heo, rồi đến làm hơn 2 vườn ươm, sau nữa là nuôi hơn 400 con gà, mở tiệm xay xát, may mắn là tất cả đều đạt hiệu quả kinh tế nên mình rất phấn khởi.
 
Tiếng lành đồn xa, chị Kiếu được xem như là một tấm gương sản xuất kinh tế giỏi để chị em noi theo. Chính vì vậy, Hội LHPN xã Ba Cung đã nhiều lần tổ chức cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến tham quan, học hỏi cách làm của chị Kiếu. Qua đó, khuyến khích chị em mạnh dạn vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế để sớm thoát nghèo.  
 
Những năm qua, nhằm tạo điều kiện cho các chị em hội viên có điều kiện được vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Ba Cung hàng năm đều phối hợp cùng ngân hàng chính sách huyện tổ chức giải ngân cho các chị em vay vốn.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Cung chị Phạm Thị Nhìn, cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tạo điều kiện cho các chị em phụ nữ vay vốn. Đồng thời, phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, các đợt tham quan thực tế các mô hình để cho các chị em học tập, làm theo. 
 
 
Trần Tươi
 

.