Không thể chần chừ trong chi ngân sách

09:10, 04/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ Tài chính vừa ban hành quy định mới liên quan đến việc cắt, hủy dự toán, không cho phép chuyển nguồn sang năm sau nếu các địa phương không giải ngân hết ngân sách mà Trung ương đã cấp trong năm 2018. Đây được xem là một giải pháp “mạnh tay” để các địa phương thực hiện đúng tiến độ chi ngân sách.
 

Không xem xét chuyển nguồn

Tháng 8.2018, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 9737 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp “Điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2018”.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, kinh phí giải ngân nguồn vốn đầu tư mới của Chương trình giảm nghèo chỉ đạt khoảng 37%.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, kinh phí giải ngân nguồn vốn đầu tư mới của Chương trình giảm nghèo chỉ đạt khoảng 37%.

Theo đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ chi ngân sách. Bởi đến hết năm ngân sách, chỉ những khoản dự toán chi chưa thực hiện được, hoặc chưa chi hết theo quy định tại khoản 3, điều 64, Luật Ngân sách Nhà nước 2015, gồm chi mua sắm trang thiết bị đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua sắm ký trước ngày 31.12 của năm thực hiện dự toán; nguồn thực hiện chính sách tiền lương; kinh phí nghiên cứu khoa học, các khoản dự toán được cấp thẩm quyền bổ sung sau ngày 30.9 của năm thực hiện dự toán... mới được phép chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện.
 

"Tỉnh đã đặc biệt lưu ý các địa phương, sở, ngành thực hiện các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo 2018 cần phải thay đổi cách thức làm việc, giải ngân toàn bộ vốn giảm nghèo trong năm 2018, không được chuyển tiếp sang năm 2019, nếu không sẽ phải tự bù bằng ngân sách địa phương. Không chỉ riêng Chương trình giảm nghèo, quy định này cũng buộc tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh phải có giải pháp chỉ đạo điều hành tuân thủ chi ngân sách theo dự toán đã được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".


Phó Chủ tịch UBND tỉnh
PHẠM TRƯỜNG THỌ

Với những khoản chi còn lại nếu chưa giải ngân xong sẽ bị cắt, hủy dự toán. Trung ương không xem xét chuyển nguồn, hay bổ sung để đảm bảo cho các khoản chi này và địa phương phải chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát sinh trên địa bàn trong năm 2018.

Đây được xem là giải pháp quyết liệt, nhằm chấm dứt tình trạng các địa phương giải ngân vốn chậm.

Quyết liệt hơn nữa trong chi ngân sách

Với quy định mới này, không chỉ các khoản chi cho các chế độ, chính sách, mà các chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh cũng phải được đẩy nhanh tiến độ, để kịp hoàn thành nhiệm vụ chi trong năm 2018.

Đây là thách thức lớn, buộc tất cả các ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh phải đôn đốc, quyết liệt hơn nữa trong chi ngân sách, nhất là đối với chi ngân sách trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bởi trên thực tế, nhiều năm qua, dù Trung ương luôn ưu tiên đầu tư vốn cho tỉnh thực hiện Chương trình này, với kinh phí hằng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn luôn đạt tỷ lệ thấp, phải chuyển tiếp sang năm sau.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, kinh phí giải ngân nguồn vốn đầu tư mới chỉ đạt khoảng 37%, nguồn vốn sự nghiệp mới giải ngân chưa đến 7%. Dù nguồn vốn của Chương trình giảm nghèo năm 2018 được phân khai sớm hơn so với mọi năm.

Nguyên nhân giải ngân chậm được các địa phương đưa ra là do hồ sơ của một số gói thầu chưa đảm bảo, phải chỉnh sửa nhiều lần, cấp xã chưa chủ động trong công tác hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh toán. Mặc dù đã có định hướng của cấp tỉnh, huyện, song chính quyền cơ sở vẫn còn lúng túng trong lựa chọn cây, con giống phù hợp với điều kiện từng địa phương, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, tốn thời gian, làm cho tiến độ triển khai chậm... Đây là những lý do mà năm nào cũng được Sở LĐ - TB&XH tổng hợp, đưa vào báo cáo, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.


 Bài, ảnh: Ý THU

 


.