Gỡ bỏ "thẻ vàng" thủy sản: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

02:10, 03/10/2018
.

Ông Phùng Đình Toàn.
Ông Phùng Đình Toàn.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp để chấn chỉnh tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Xung quanh vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết những kết quả, khó khăn trong quá trình thực hiện 9 khuyến nghị mà EC đưa ra vào tháng 10.2017 và 4 nhóm khuyến nghị của EC trong tháng 5.2018.

PV: Ông có thể cho biết kết quả mà Quảng Ngãi đã đạt được trong việc thực hiện những khuyến nghị của EC?

Ông Phùng Đình Toàn: Cùng với các cơ quan trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ, tích cực thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thủy sản cho ngư dân; tăng cường thanh tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm. Nhờ đó, từ tháng 12.2017 đến nay, không có tàu cá nào của ngư dân Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản.

PV: Quá trình thực hiện có những khó khăn nào, thưa ông?

Ông Phùng Đình Toàn: Theo đánh giá của Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản (EC) làm việc tại Việt Nam vào tháng 5.2018, công tác chống khai thác IUU tại các địa phương, trong đó có Quảng Ngãi chưa được cải thiện đáng kể. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghề cá chưa đảm bảo; trình độ học vấn của các thuyền trưởng còn hạn chế, không gian trên tàu chật chội; công tác quản lý tàu cá còn lỏng lẻo; ngư dân thực hiện việc ghi nhật ký khai thác còn mang tính đối phó; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều tàu cá chưa lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh và chưa có tàu cá nào lắp thiết bị giám sát hành trình...
 

 

Việc EC phạt
Việc EC phạt "thẻ vàng" đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản.

Toàn tỉnh hiện có 3.500/5.562 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90CV trở lên), nhưng chỉ có 305 tàu lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Dù vậy, trong số này cũng chỉ có 2 tàu mở thiết bị trong quá trình hoạt động. Do đó, việc phát hiện tàu cá vi phạm chưa kịp thời; việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa đảm bảo theo yêu cầu của EC. Hơn nữa, tàu cá vi phạm cũng chỉ xử lý hành chính, nên chưa đủ sức răn đe.

Ngoài ra, tại các vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp giữa Việt Nam và các nước, như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Brunei... vẫn xảy ra tình trạng tàu cá của Việt Nam bị các nước này bắt giữ, trong đó có 1 tàu của ngư dân Quảng Ngãi.

PV: EC có nhiều quy định nghiêm ngặt đối với các quốc gia bị rút thẻ vàng thủy sản. Vì vậy, tỉnh đã có những giải pháp nào, để cùng ngành thủy sản khôi phục thẻ xanh IUU?

Ông Phùng Đình Toàn: Từ năm 2014 đến nay đã có 25 nước bị EC phạt thẻ. Đến thời điểm này, có 14 nước được rút thẻ, còn 3 nước bị thẻ đỏ và 8 nước bị thẻ vàng (trong đó có Việt Nam). Để cùng ngành thủy sản khôi phục thẻ xanh IUU, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là chủ tàu và thuyền trưởng chấp hành việc ghi và nộp nhật ký khai thác hải sản; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU...

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng cần trung thực, khách quan trong việc xác nhận nguồn gốc sản phẩm, cung cấp đầy đủ những thủ tục khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường Châu Âu, để tạo niềm tin của thị trường này đối với hải sản Việt Nam.

Việc EC phạt “thẻ vàng” đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thủy sản và uy tín quốc gia. Do đó, việc khắc phục vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chứ không phải của riêng ngành thủy sản.

PV: Xin cảm ơn ông!


THANH PHONG
(thực hiện)




 


.