Du lịch vùng biển đảo: Làm gì để "cất cánh" (kỳ 1)

11:10, 22/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển khoảng 130km và huyện đảo Lý Sơn, với nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Trong những năm qua, tỉnh có nhiều cố gắng trong thu hút đầu tư để phát triển ngành "công nghiệp không khói", song đến nay sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ, dẫn đến một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch kém hiệu quả... Thực trạng đó đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch Quảng Ngãi.
 

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Nhìn từ dự án 8.000 tỷ đồng


Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) được coi là bước đột phá của Quảng Ngãi trong kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, dự án vẫn không được như kỳ vọng.


Công trình tiền tỷ bỏ hoang

Năm 2005, dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng được Ban Quản lý KKT Dung Quất (nay là BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty CP Đầu tư Thiên Đàng (sau này sáp nhập thành Công ty CP Đầu tư Phát triển Nam Quảng Nam), với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng. Khi dự án được triển khai, lãnh đạo tỉnh và người dân kỳ vọng du lịch vùng biển đảo của Quảng Ngãi sẽ “cất cánh”. Bởi lẽ, đây sẽ là cầu nối để các nhà đầu tư khác tìm đến Quảng Ngãi, nhằm đánh thức tiềm năng du lịch vùng biển đảo. Nhưng sau 13 năm, khu du lịch này vẫn chưa thật sự hấp dẫn du khách, nhiều phân khu phải tạm ngừng hoạt động.

 Khu du lịch Thiên Đàng chưa phát huy hiệu quả sau 13 năm đầu tư.
Khu du lịch Thiên Đàng chưa phát huy hiệu quả sau 13 năm đầu tư.


Những ngày đầu tháng 10.2018, phân khu du lịch Bốn Mùa vẫn cửa đóng then cài. Cả khu vực rộng lớn được phủ kín bởi cây cỏ. Những cánh cổng đã gỉ sắt, hư hỏng; lâu lâu mới thấy một vài người đi lại bên trong. Một số công trình thi công dở dang, hoặc xây dựng hoàn thành nhưng không được khai thác, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, phải dầm mưa, phơi nắng suốt nhiều năm, dẫn đến xuống cấp...

Thất bại với quyết định mạo hiểm

Dù dự án đã triển khai 13 năm, nhưng đến nay dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng mới hoàn thành giai đoạn 1, với phân khu Thiên Đàng Bốn Mùa, rộng hơn 32,4ha, nhưng cũng bỏ hoang nhiều năm nay. Các phân khu còn lại, như Thiên Đàng mùa Xuân, Thiên Đàng mùa Thu, Thiên Đàng mùa Hè, Thiên Đàng mùa Đông, với diện tích khoảng 74ha, do vướng trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, nên đến nay vẫn còn dang dở.
 

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước Khu vực II đã kiểm toán tài chính đối với dự án và đề nghị truy thu tiền thuê đất chậm đưa đất vào sử dụng. Hiện nay, nhà đầu tư và BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đang giải trình, nguyên nhân chậm nộp tiền thuê đất là do thời điểm giao đất (2008) là để có cơ sở nhà đầu tư tiến hành đền bù, chứ không phải giao đất sạch 100% cho nhà đầu tư.

Do chủ đầu tư chưa triển khai giai đoạn 2 của dự án, nên một số diện tích đất đã thu hồi bị bỏ hoang, người dân ở xã Bình Thạnh tận dụng để trồng các loại cây ngắn ngày... Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Lê Tấn Khanh cho biết: Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng sử dụng trên 106ha đất, nhưng chủ đầu tư mới phối hợp với xã đền bù giai đoạn I hơn 32,41ha. Còn hơn 74ha, Công ty CP Đầu tư Thiên Đàng không phối hợp với chính quyền, mà tự thỏa thuận và chi trả cho người dân, hiện còn 19/74,2ha đất chưa đền bù. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ.

Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch. Nơi đây sở hữu bãi tắm rất đẹp, với mực nước khu vực bãi biển nông, thoai thoải sâu dần về phía lòng biển (không có vực cấp sâu như một số bãi biển khác). Khu vực này nằm tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam, cạnh sân bay Chu Lai và nằm giữa KKT mở Chu Lai và KKT Dung Quất. Thế nhưng, khu du lịch này vẫn không phát huy hiệu quả những lợi thế đó để phát triển.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lúc bấy giờ, chủ đầu tư triển khai Khu du lịch Thiên Đàng là một quyết định "mạo hiểm", vì hạ tầng phục vụ du lịch rất sơ khai, Quảng Ngãi chưa xuất hiện nhiều "trong bản đồ du lịch" của Việt Nam. Theo chủ đầu tư, việc đầu tư khu du lịch này là nhằm đón đầu sự phát triển sôi động của KKT Chu Lai và KKT Dung Quất. Sau khi đưa vào hoạt động phân khu Thiên Đàng Bốn Mùa đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của cán bộ, kỹ sư, chuyên gia và công nhân tham gia xây dựng các công trình, dự án tại KKT Dung Quất. Tuy nhiên, sau khi các công trình, dự án hoàn thành việc xây lắp thì cũng là lúc lượng khách đến với khu du lịch ngày càng ít; khách đi theo tour cũng thưa dần, dẫn đến phải tạm đóng cửa hoạt động.

Hỗ trợ chủ đầu tư tái khởi động dự án

Cuối năm 2017, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng xin điều chỉnh, nâng tổng mức đầu tư dự án lên 8.000 tỷ đồng và điều chỉnh quy hoạch, bổ sung dự án. Trong đợt kiểm tra dự án, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ yêu cầu nhà đầu tư cần quyết liệt thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án, không để lãng phí quỹ đất. Thời gian hoàn thành bổ sung quy hoạch, đầu tư chậm nhất là đến 30.6.2018. Nếu chủ đầu tư tiếp tục chậm tiến độ, thì tỉnh sẽ thu hồi, tạo cơ hội để thu hút các nhà đầu tư khác.

Trưởng Phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh) Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa cho biết: Đến nay, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh tiến độ đến ban quản lý (BQL), nhưng hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng năm 2009 chủ đầu tư đã làm mất, nên chưa thể xem xét.

 Phân khu Bốn Mùa thuộc Khu du lịch Thiên Đàng ngừng hoạt động nhiều năm nay.
Phân khu Bốn Mùa thuộc Khu du lịch Thiên Đàng ngừng hoạt động nhiều năm nay.


Cũng theo ông Nghĩa, do dự án có quy mô lớn, nên BQL phải kiểm tra hồ sơ chặt chẽ, cả về năng lực tài chính của chủ đầu tư, nhưng với tinh thần hỗ trợ tối đa nhà đầu tư. Mặt khác, dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh của Tập đoàn Exxon Mobil dự kiến làm tuyến ống kéo khí từChu Lai về Dung Quất để làm nhà máy nhiệt điện, nhưng chưa có phương án cụ thể hướng tuyến đường ống dẫn khí, nên BQL chưa thể cấp phép đầu tư cho dự án Khu du lịch Thiên Đàng. Trong trường hợp đường ống dẫn khí nằm “chồng lấn” trong dự án Khu du lịch Thiên Đàng thì dự án sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch.

“Việc chậm cấp chủ trương đầu tư cho dự án là do yếu tố khách quan chứ không phải doanh nghiệp không làm, cũng không phải BQL làm khó doanh nghiệp. Hiện tại, chủ đầu tư đang tích cực xử lý các vướng mắc và đã tái khởi động dự án, như san nền, xây dựng các khu còn lại. Sau khi Exxon Mobill chốt phương án đường ống dẫn khí, BQL sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư; đồng thời yêu cầu nhà đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai dự án, để có cơ sở kiểm soát tiến độ và năng lực nhà đầu tư”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Còn Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí thì cho rằng, dự án triển khai kéo dài có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư đã khởi động lại dự án nên đó là một tín hiệu đáng mừng. Tin rằng, chủ đầu tư sẽ tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư tôn tạo, nâng cấp Khu du lịch Thiên Đàng thật hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh.

Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Phan Văn Hải, đại diện nhà đầu tư Khu du lịch Thiên Đàng, cũng ghi nhận thông tin này và cam kết sẽ triển khai dự án đúng tiến độ.


Bài, ảnh: P.DANH-L.ĐỨC


-----------------
Kỳ 2: Hạ tầng và sản phẩm du lịch còn nghèo nàn.



 


.