Tiếng thở dài bên lòng hồ Nước Trong (kỳ 3)

10:09, 01/09/2018
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ 3: Tìm sinh kế cho người dân

Mục tiêu của việc di dời tái định cư cho người dân là phải đảm bảo cho đời sống của họ bằng hoặc khá hơn nơi ở cũ. Nhưng với người dân tái định cư thuộc dự án hồ Nước Trong thì chưa trọn vẹn, mặc dù ngân sách nhà nước đã đầu tư nhiều tỷ đồng cho công tác này. Do đó, việc tìm sinh kế cho người dân ngay từ lúc này là rất cần thiết.

-----------------
Hiệu quả đầu tư thấp


Hậu tái định cư của dự án hồ chứa nước Nước Trong là câu chuyện đáng buồn, mà nguyên nhân phần lớn do những quyết sách trong đầu tư phục vụ sinh kế của người dân chưa thật sự hợp lý, dẫn đến một số hạng mục, công trình không phát huy hiệu quả. Trong đó có việc đầu tư vùng sản xuất lúa nước cho người dân tái định cư ở xã Trà Xinh và Trà Thọ.

Bể chứa nước sạch tại Khu tái định cư ở thôn Trà Veo, xã Trà Xinh  (Tây Trà) không còn hoạt động.
Bể chứa nước sạch tại Khu tái định cư ở thôn Trà Veo, xã Trà Xinh (Tây Trà) không còn hoạt động.


Trưởng Phòng Kỹ thuật thẩm định Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Hợp phần di dân hồ chứa nước Nước Trong Nguyễn Văn Quang cho rằng, trong quá trình quy hoạch, lập dự án và triển khai đầu tư đều tham vấn ý kiến người dân thông qua đại diện là già làng, trưởng thôn và chính quyền địa phương. Việc đồng ruộng không phát huy hiệu quả... là do phong tục tập quán của người dân. Ngoài ra, việc lồng ghép một số mô hình để cải tạo đất, sau đó 2 năm mới triển khai trồng lúa nước nhưng huyện Tây Trà làm không tốt.

Tổng mức đầu tư của Dự án Hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong là 372,77 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, được phân cấp cho tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Quá trình thực hiện do trượt giá, khung giá đền bù thay đổi, nhiều hạng mục bổ sung… nên dự án đội vốn lên 656,1 tỷ đồng và đã được các bộ, ngành Trung ương đồng ý điều chỉnh bằng nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương với số tiền 283,3 tỷ đồng nhưng chưa bố trí vốn, tỉnh đã ứng ngân sách thực hiện, nhưng đến nay Trung ương vẫn chưa cấp lại cho tỉnh số tiền 283,3 tỷ đồng sau điều chỉnh. Theo tính toán sơ bộ, dự án kết thúc sẽ còn dư khoảng 60-80 tỷ đồng, nên sẽ đầu tư hoàn thiện một số hạng mục công trình chưa thực hiện, trong đó có tuyến đường từ UBND xã Trà Thọ đi xã Trà Trung dài khoảng 15km.

 

Trong khi đó, một cán bộ của huyện Tây Trà thì kể: “Đồng bào vùng cao luôn tận dụng lớp đất mặt để trồng lúa rẫy. Nhưng khi cải tạo đồng ruộng, chủ đầu tư cho san ủi như ruộng sản xuất ở đồng bằng, nên cây lúa không phát triển được, nước phục vụ sản xuất cũng không có. Hệ thống dẫn nước sạch cách xa khu tái định cư từ 4-5km mà cũng không có nước; giờ đây đường ống bị hư, nhưng địa phương thì không có kinh phí để sửa chữa".

Hệ thống nước sạch bị hư nên người dân tìm đến các hố nước trên núi để lấy nước về sử dụng.
Hệ thống nước sạch bị hư nên người dân tìm đến các hố nước trên núi để lấy nước về sử dụng.


Không những vậy, một số cam kết của chủ đầu tư đến nay cũng chưa thực hiện, mặc dù công trình hồ Nước Trong hoàn thành đã lâu. Đó là việc đầu tư tuyến đường Sơn Bao-Di Lăng chưa thực hiện, trong khi tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống nước sạch cấp cho hàng chục hộ dân xã Sơn Bao (Sơn Hà) do đơn vị thi công làm hư đến nay cũng chưa khắc phục, làm cho đời sống người dân tái định cư thêm khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Như Lâm cho rằng, mục tiêu đưa cuộc sống người dân ở vùng tái định cư thuộc dự án hồ Nước Trong  bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là chưa đạt được. Những bất cập trong việc tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ người dân trong vùng dự án huyện cũng đã thấy và đã kiến nghị nhiều lần, nhưng các ngành chức năng liên quan chưa giải quyết.

---------------------
Giải pháp nào cho người dân vùng dự án


Nói về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với thực trạng này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy lợi 6 (chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Nước Trong) Phạm Quang Lộc cho biết, dự án có hai hợp phần đầu mối và hợp phần đền bù, di dân tái định cư. Việc thực hiện tái định cư thuộc trách nhiệm Ban Quản lý dự án Hồ chứa nước Nước Trong (Sở NN&PTNT) thực hiện. Do đó, việc tìm sinh kế cho người dân hiện nay không thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án thủy lợi 6, mà là trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ 4 từ phải sang) kiểm tra mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ Nước Trong, tại xã Trà Xinh (Tây Trà).
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ 4 từ phải sang) kiểm tra mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ Nước Trong, tại xã Trà Xinh (Tây Trà).


Thực tế thời gian qua, lời giải cho bài toán sinh kế đối với người dân vùng dự án cũng đã được chính quyền, chủ đầu tư tính đến và có nhiều chương trình được đầu tư, như nuôi cá nước ngọt ở lòng hồ Nước Trong, trồng ổi... nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mô hình, chứ chưa thể nhân rộng.

Quyền Chủ tịch UBND xã Trà Xinh Đinh Văn Nay cho rằng, để thay đổi cuộc sống người dân ở đây, Nhà nước cần một quyết sách dài hơi thông qua việc bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, khai hoang ruộng lúa nước, cấp đất lâm nghiệp để người dân làm ăn. Đồng thời, tiến hành khảo sát điều kiện phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã, qua đó hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để dần thay đổi thói quen canh tác lạc hậu của người dân; không dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động suông.

Cũng theo ông Nay, một giải pháp mà ngành chức năng cần quan tâm là, vận động những thanh niên có đủ sức khỏe tham gia xuất khẩu lao động; chuyển giao các kỹ thật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân thông qua các lớp tập huấn, dạy nghề hoặc mô hình sản xuất, chăn nuôi cụ thể. Triển khai đầu tư các công trình còn lại nhưng chưa thực hiện và tập trung duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt, các công trình phúc lợi xã hội để người dân được hưởng lợi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Như Lâm kiến nghị: Trước mắt để đảm bảo đời sống người dân trong vùng tái định cư, tỉnh cần phân bổ kinh phí để huyện đầu tư hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, lưu thông hàng hóa; khắc phục tình trạng bỏ hoang ở các khu đất quy hoạch sản xuất lúa. Tỉnh và trung ương cần có những chương trình, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế mang tính dài hơi. Có như thế thì người dân mới có thể thoát nghèo được.

 

Chủ đầu tư đã hết trách nhiệm!?

Trưởng Phòng Kỹ thuật thẩm định Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Hợp phần di dân hồ chứa nước Nước Trong Nguyễn Văn Quang cũng ghi nhận, cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư và trong vùng dự án còn nhiều bất cập, các công trình hạ tầng thiết yếu phát huy hiệu quả kém. Còn một số công trình không được bố trí vốn để đầu tư, nhất là đường giao thông. Đối với diện tích đất sản xuất lúa nước, do đặc thù địa hình huyện Tây Trà rất cao, nên việc đầu tư ruộng bậc thang manh mún, thửa ruộng nhỏ dẫn đến chưa hiệu quả. Những tồn tại này là do ban đầu lập quy hoạch, lập dự án, chủ đầu tư không nhận ra.

Đối với hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất đều được đầu tư bài bản. Khi bàn giao, chủ đầu tư mở tất cả các van dẫn nước và đảm bảo hoạt động nên huyện mới đồng ý tiếp nhận công trình. Sau đó, một thời gian dài đất ruộng không thể sản xuất, nên hệ thống nước hư hỏng là do lỗi của người dân và chính quyền địa phương chứ không phải lỗi của chủ đầu tư. Trong phạm vi dự án, đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn thành và không còn trách nhiệm gì với dự án nữa.

 

 Bài, ảnh: N. QUANG-N.VIÊN
 


.