Phụ nữ liên kết trồng rau sạch

10:09, 01/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều phụ nữ ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) đã liên kết trồng rau sạch. Mô hình này không chỉ cung cấp một lượng rau sạch ổn định ra thị trường, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Mô hình “Tổ hợp tác trồng rau an toàn” ở xã Đức Thắng được triển khai với sự tham gia của 4 hộ có thâm niên canh tác rau trên địa bàn thôn Thanh Long. Tham gia mô hình, các tổ viên được hỗ trợ về vốn, kiến thức trồng rau để đạt năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn.

Chị Trần Thị Nhung ở thôn Thanh Long, xã Đức Thắng chăm sóc vườn đậu bắp.
Chị Trần Thị Nhung ở thôn Thanh Long, xã Đức Thắng chăm sóc vườn đậu bắp.


Chị Nguyễn Thị Minh Trinh ở thôn Thanh Long, xã Đức Thắng là người có thâm niên trong nghề trồng rau. Gia đình chị hiện đang canh tác hơn 4 sào, với nhiều loại rau quả, như dưa, rau muống, khổ qua, ớt... bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng vài trăm ký rau; khi vào chính vụ thu hoạch thì khoảng 1 tạ rau/ngày. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về 200-500 nghìn đồng/ngày.
 

Đức Thắng là vùng đất trũng, nên mùa mưa thường xuyên bị ngập lụt. Do đó, thời gian đến xã sẽ quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn ở những nơi cao ráo; đồng thời cho các chị em mượn thêm đất để sản xuất, nhằm cải thiện đời sống gia đình.


Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Thắng
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG

Do trồng trong môi trường sạch, không sử dụng phân hóa học nên ngoài việc cung cấp rau sạch cho người dân ở địa phương, vườn rau của gia đình chị Trinh còn là địa chỉ tin cậy của nhiều người dân trên địa bàn huyện.

Cũng là hội viên của tổ hợp tác trồng rau, chị Nguyễn Thị Diệu đã sử dụng 4 sào đất của gia đình để trồng rau sạch, nhằm phát triển kinh tế gia đình. Để vườn rau sinh trưởng và phát triển tốt mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chị Diệu chú trọng đến khâu làm đất, đồng thời chọn trồng luân phiên các loại rau, củ, quả khác nhau trên một đơn vị diện tích để hạn chế sâu bệnh. Vốn ít, tận dụng được công nhàn rỗi nên mô hình trồng rau sạch này đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định.

Ở Thanh Long, nghề trồng rau có từ rất lâu. Tuy nhiên, do trước đây các hộ sản xuất nhỏ lẻ nên khó tiêu thụ. Sau khi tham gia tổ hợp tác trồng rau an toàn nên có nhiều thuận lợi hơn. Mỗi ngày lượng rau thu hoạch sẽ có xe tải nhỏ của các tiểu thương đến tận nơi thu mua, hoặc được thu lại và chuyển đi nơi khác để bán.

Thực tế cho thấy, mô hình “Tổ hợp tác trồng rau an toàn” ở xã Đức Thắng đang phát huy được hiệu quả. Đây là một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thói quen trong việc sản xuất các loại nông sản an toàn trong mỗi gia đình, đặc biệt là sản xuất rau sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.


Bài, ảnh: TRUNG ÂN


 


.