Người gắn kết nông dân với thị trường

04:09, 22/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thuyết phục bà con nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang gắn kết với doanh nghiệp để nâng hiệu quả sản xuất; lặn lội tìm kiếm doanh nghiệp (DN) đưa đến tận ruộng hướng dẫn, “bắt tay” với nông dân làm ăn... Đó là công việc  “không lương”, nhưng tốn nhiều công sức của ông Trương Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), mà ông đã tự nguyện thực hiện trong những năm qua.

Tiên phong kết nối “hai nhà”

Là một lão nông, lại gắn bó với công tác ở hội nông dân ngót nghét chục năm, ông Trương Bình hiểu rõ những vất vả của bà con nông dân. “Dịch bệnh khiến mùa màng thất thu, rồi khi được mùa thì lại mất giá, hoặc bị thương lái ép giá... Điệp khúc ấy cứ bám riết lấy người nông dân”, ông Bình trầm tư.

 

Lão nông Trương Bình (bên trái) đều đặn xuống tận ruộng hướng dẫn người dân cách loại bỏ những cây lúa không nguyên chủng.
Lão nông Trương Bình (bên trái) đều đặn xuống tận ruộng hướng dẫn người dân cách loại bỏ những cây lúa không nguyên chủng.


Luôn trăn trở tìm hướng đi giúp bà con nông dân ở quê hương bớt cơ cực, ông Bình mừng như "vớ được vàng" khi xem được mẩu tin về mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa nông dân và DN. Mẩu tin ngắn đó đã thôi thúc ông Bình thuyết phục bà con nông dân “bắt tay” cùng DN, chuyển hướng sản xuất từ làm lúa “ăn” ít lợi nhuận, sang làm lúa giống lợi nhuận cao.

Nghĩ là làm, sau khi nêu ý tưởng và được chính quyền địa phương chấp thuận, ông Bình chủ động liên hệ với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín, một trong những DN thường xuyên liên kết với nông dân trong sản xuất lúa giống, để tìm hiểu cách thức hợp tác. Sau khi thống nhất với  DN về vị trí xứ đồng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà DN đưa ra, ông Bình trở về địa phương tổ chức họp dân, giới thiệu và thuyết phục mọi người về hướng sản xuất mới.

Nghe Chủ tịch Hội Nông dân xã đặt vấn đề về cách thức sản xuất lúa khá mới mẻ, thoạt đầu, 47 hộ dân ở xứ đồng Làng Cầu, một vùng đất khó khăn, xa xôi nhất của xã Nghĩa Dõng, chẳng mấy người đồng ý. Nhưng với sự tận tâm giải thích của ông Bình, người dân dần hiểu ra và đồng thuận. Vụ đông xuân 2016 - 2017, xứ đồng Làng Cầu rộng 5,3ha chính thức chuyển hướng sang trồng lúa giống. Đây cũng là một trong số ít xứ đồng tiên phong chuyên canh lúa giống của TP.Quảng Ngãi.
 

Vận động trên mọi “mặt trận”


Không chỉ vận động bà con nông dân hợp tác sản xuất lúa giống, phát triển kinh tế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dõng Trương Bình còn đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp kinh phí, hỗ trợ bò giống giúp các hội viên nông dân khó khăn trên địa bàn xã. Những nông dân nhường đất nông nghiệp lại cho các dự án cũng được ông quan tâm, kêu gọi hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương đóng góp tiền mua máy băm cỏ, hỗ trợ họ chuyển hướng sang chăn nuôi bò thịt.

Nâng cao vị thế người nông dân

Liên kết sản xuất lúa giống với DN, bà con nông dân Làng Cầu chỉ cần bỏ công chăm sóc, còn 100% giống, 30% vật tư đều đã được DN và chính quyền địa phương hỗ trợ. Để người dân khỏi bỡ ngỡ với quy trình sản xuất mới, bên cạnh các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật trước khi gieo sạ, lão nông Trương Bình còn xuống tận ruộng để “cầm tay chỉ việc” cho nông dân.

“Từ lúc gieo sạ cho đến khi thu hoạch, bình quân mỗi tuần, tôi ghé ra đồng 1-2 lần. Còn khi có việc đột xuất, nông dân gọi điện là tôi có mặt. Quan trọng nhất là giai đoạn khử lẫn cho lúa, lúc ấy tôi luôn xác định phải thu xếp công việc, có mặt ngoài đồng để hướng dẫn bà con thực hiện đúng cách, nhằm đảm bảo loại bỏ toàn bộ lúa hỗn tạp, bàn giao lúa nguyên chủng, giữ đúng chữ tín với DN”, ông Bình chia sẻ.

Tận tâm, chịu khó đồng hành cùng bà con nông dân, ông Bình đã từng bước giúp xứ đồng Làng Cầu dần đi vào sản xuất theo quy trình mới. Từ vụ đông xuân 2016 - 2017 đến nay, bà con nông dân ở Làng Cầu đã hợp tác với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín, Công ty TNHH Nông nghiệp MTV Phan An sản xuất các giống lúa như MT10, DQ11. Tuân thủ theo đúng quy trình, nên năng suất tại xứ đồng này luôn chạm mức 80 tạ/ha, tăng 20 tạ/ha so với sản xuất lúa thường. Thu nhập của người dân nhờ thế cũng “nhích” từ 36 lên 54 triệu đồng/ha.

Phấn khởi với cách thức làm lúa mới, ông Bùi Thanh Tuấn, một trong 47 nông dân tham gia sản xuất lúa giống ở Làng Cầu, chia sẻ: “Làm nông gần 50 năm nay, giờ tôi mới được tiếp cận cách làm lúa lợi đủ đường như thế này. Sản xuất lúa giống, chúng tôi được DN xuống tận ruộng thu mua lúa tươi, thay vì phải tự vận chuyển về nhà rồi phơi khô lúa, vừa hao hụt, vừa tốn công sức như làm lúa thường. Chúng tôi cũng không còn lo giá cả thị trường lên hay xuống, vì đã có DN cam kết bao tiêu với mức giá định sẵn”.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc liên kết cùng DN, bà con nông dân ở thôn Làng Cầu đã cùng nhau thành lập Tổ chuyên môn sản xuất lúa giống với 15 thành viên để cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Ra đồng Làng Cầu bây giờ, không còn nghe nông dân trăn trở về giá cả vật tư leo thang, hay chuyện được, mất mùa; mà là những cuộc trò chuyện, bàn luận về việc hợp tác cùng DN nào, chọn sản xuất giống lúa nào để mang lại lợi nhuận cao...

Còn lão nông Trương Bình vẫn lặng lẽ đồng hành cùng bà con bằng cách tìm hiểu, làm việc thêm với nhiều DN để tăng thêm sự lựa chọn hợp tác cho người dân và ấp ủ ước mong nhân rộng được mô hình hợp tác sản xuất lúa giống ở Làng Cầu sang nhiều xứ đồng khác, để người dân cả xã cùng được hưởng lợi.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.