Hướng giảm nghèo bền vững ở Tây Trà

02:09, 30/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc đầu tư kinh phí để xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp, huyện Tây Trà còn triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Mô hình chăn nuôi kết hợp

Chị Hồ Thị Nguyệt, ở thôn Trà Veo, xã Trà Xinh (Tây Trà) được hỗ trợ 6 con dê và 5 con heo giống địa phương. Qua gần 2 tháng thả nuôi, đàn dê và heo phát triển tốt. Chị Nguyệt cho biết, cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ thuật và thường xuyên theo dõi việc chăn nuôi nên gia đình  rất yên tâm.

 Người dân xã Trà Xinh (Tây Trà) được hỗ trợ dê để thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp.
Người dân xã Trà Xinh (Tây Trà) được hỗ trợ dê để thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp.


Gia đình chị Hồ Thị Nguyệt là một trong 6 hộ ở xã Trà Xinh được huyện hỗ trợ con giống, để phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi kết hợp dê và heo. Dự án này có tổng kinh phí đầu tư gần 350 triệu đồng, trong đó hơn 50% là tiền con giống, còn lại là hỗ trợ vật tư, tuyên truyền, tập huấn...

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Trà Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết: Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ con giống và phải thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc heo theo kỹ thuật được hướng dẫn. Khi những hộ dân khác ở địa phương có nhu cầu chăn nuôi, thì các hộ đã được hỗ trợ  bán con giống với giá bằng 1/2 giá thị trường để cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Mục tiêu của mô hình là nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Xây dựng chuỗi liên kết giá trị

Hiện nay, huyện Tây Trà đang triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Theo Ban điều phối xây dựng nông thôn mới của huyện, các sản phẩm chăn nuôi như heo, bò, dê, gà... được nuôi ở địa phương bán rất chạy và có giá cao, nhưng việc cung cấp còn nhỏ lẻ. Để các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương nâng cao giá trị trên thị trường thì cần phải thực hiện việc liên kết sản xuất.

Huyện Tây Trà đã chỉ đạo các ngành chức năng lập danh sách các loại sản phẩm, vùng nguyên liệu... để xây dựng chuỗi liên kết giá trị các sản phẩm. Trong đó có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù có thể phục vụ cho mục tiêu “mỗi xã một sản phẩm” như: Chè Trà Nham, hường Trà Nham,  cam Trà Quân;  sâm cau, dê núi, gà tre Trà Xinh; các loại cá nước ngọt sông Tang.

Với các sản phẩm bản địa có chu kỳ sản xuất ngắn và chưa có vùng nguyên liệu như: Gừng gió, ớt xiêm, huyện hỗ trợ toàn bộ nguyên liệu đầu vào và đưa sản phẩm ra thị trường. Với những sản phẩm có chu kỳ sản xuất ngắn, có sẵn vùng nguyên liệu thì hỗ trợ cải tạo chất lượng và mở rộng vùng nguyên liệu. Còn với các sản phẩm có chu kỳ dài ngày, như cau, quế... sẽ hỗ trợ cải tạo chất lượng vùng nguyên liệu.



     Bài, ảnh: X.THIÊN


 


.