Giá heo tăng sốc, nông dân dè dặt tái đàn

09:09, 25/09/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi đã tăng trở lại và liên tục leo thang. Thời điểm này heo hơi có mức tăng giá cao nhất từ trước tới nay. Dù vậy, nhiều người chăn nuôi dè dặt, thậm chí không có ý định tái đàn.

TIN LIÊN QUAN

Không mặn mà tái đàn

Giá heo hơi sau quãng thời gian chạm đáy 24.000 đồng/kg vào mùa đông năm 2017 đã liên tục tăng giá trong năm 2018. Đến thời điểm này, thịt heo hơi có giá 57.000 đồng/kg, mức tăng cao nhất từ trước tới nay.

Bà Nguyễn Thị Phi Vân, thôn 1, xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi cho biết, trại chăn nuôi của gia đình bà luôn giữ ổn định 16 con nái. Heo con sinh ra bao nhiêu giữ lại nuôi thịt bấy nhiêu. Năm 2017, heo liên tục rớt giá, bị thua lỗ bà chỉ giữ lại 6 con nái.

Từ đầu năm 2018 gia heo đã tăng trở lại, bà Vân lãi được 70 triệu đồng, nhưng vẫn chưa bù lại được khoản lỗ đậm. Bây giờ giá heo đã tăng cao bà Vân vẫn chưa dám tái đàn vì ngại nhiều người đẩy mạnh tái đàn sẽ lại xảy ra cung vượt cầu rồi lại quay đầu giảm mạnh.

“Cũng định tăng thêm 4 nái nữa mà nghe dịch tả heo Châu Phi thấy lo lo. Ai cũng tăng đàn thì chắc chắn giá lại giảm. Lãi khi heo tăng giá chỉ vài chục triệu, nhưng khi giá heo xuống thấp, dịch bệnh thì lỗ đến tiền trăm triệu” - bà Vân bày tỏ.

 

Dù giá heo tăng sốc, nhiều người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn.
Dù giá heo tăng sốc, nhiều người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn.



Hàng xóm của bà Vân, gia đình bà Chí cũng giảm số lượng con nái từ 12 con xuống 7 con. Với 12 con nái, mỗi năm đàn heo thịt của bà khoảng 200 con.  

“Tôi duy trì được đàn heo thế này là nhờ đi gom thức ăn thừa từ các quán mang về làm thức ăn cho heo, nếu nuôi bằng cám càng lỗ nặng. Gần đây, giá heo tăng trở lại đã giúp tôi lấy lại được 80 triệu đồng bù một phần cho khoản lỗ. Tôi chưa dám tăng đàn với số lượng lớn” - bà Chí cho hay.

Bà Võ Thị Đào, một tiểu thương chuyên thu mua heo tại chợ thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) và chợ Hàng Rượu, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) xuất bán cho các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Bắc cho biết, hiện nay, heo rất hút hàng, nhưng lượng heo hơi trong dân còn rất ít.

Thông thường chợ heo Sông Vệ họp chợ lúc 4 giờ sáng, từ ngày heo tăng giá, từ lúc 2 giờ sáng tiểu thương đã giành giật nhau mua từng con heo. Năm ngoái, mỗi phiên bà thu mua được khoảng 300 con thì nay mỗi người chỉ mua được từ 50 - 70 con.

Không nên ồ ạt tái đàn

Cuộc khủng hoảng thịt heo vừa qua đã để lại nhiều bài học đắt giá cho người chăn nuôi, trong đó có hậu quả của việc ồ ạt tăng đàn vì tin tưởng vào việc xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc vào Trung Quốc.

 

Người chăn nuôi không nên ồ ạt tái đàn.



Người chăn nuôi giờ đã tỉnh táo và thận trọng hơn nhiều. Thực tế, rất nhiều hộ, trang trại chăn nuôi thua lỗ quá lớn giờ không còn khả năng để tái đàn.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đỗ Văn Chung, mặc dù giá heo liên tục tăng nhưng người chăn nuôi không nên ồ ạt tái đàn, cần hết sức thận trọng và lắng nghe khi tái đàn. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Ngãi giữ ổn định đàn từ 400.000 đến 450.000 con, hiện nay tổng đàn có khoảng 390.000 con.

Cũng theo ông Chung, bà con nên giữ đàn nái, đây là nền tảng để sản xuất ra đàn heo thương phẩm cung cấp thịt  và đầu tư về thức ăn để nâng cao chất lượng thịt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, mùa mưa bão sắp đến, người chăn nuôi cần chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh cho heo nói riêng cũng như đàn gia súc, gia cầm nói chung. Triển khai nghiêm túc tiêm phòng, sát trùng tiêu độc đợt 2, từ ngày 15.9 - 15.10.2018 để bảo vệ đàn heo đảm bảo nguồn cung về giống cũng sản lượng thịt heo đáp ứng nhu cầu cuối năm.

Những nông hộ và trại có điều kiện nên áp dụng chăn nuôi hữu cơ để tạo sản phẩm đặc thù, chất lượng tốt. Hộ chăn nuôi hoặc trại chăn nuôi quy mô nhỏ cần tham gia vào các chuỗi liên kết, qua đó để ổn định đầu vào, giảm chi phí trung tâm, hạ giá thành sản xuất; dựa vào các doanh nghiệp để phát triển thị trường và tiếp cận thông tin.

Bài, ảnh: A.KIỀU


 


.