Đồng hành cùng nông dân

03:09, 21/09/2018
.

Ông Đinh Duy Sung
Ông Đinh Duy Sung

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (khóa XV) Đinh Duy Sung với phóng viên Báo Quảng Ngãi trước thềm Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023, chính thức diễn ra trong ngày 21.9. Theo đó, chủ đề của đại hội lần này là: “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”...

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở, giai đoạn 2013-2018?

Ông Đinh Duy Sung: Thời gian qua, các cấp hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Nổi bật là việc xây dựng kế hoạch, phân công các đồng chí trong ban chấp hành đi cơ sở, trực tiếp tham gia sinh hoạt cùng hội viên nông dân, mỗi đồng chí ít nhất 12 lần/năm. Các cấp hội trong tỉnh đã trực tiếp hoặc phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 13 nghìn lượt cán bộ chi, tổ hội; cử hàng nghìn lượt cán bộ hội cấp tỉnh và huyện đi sinh hoạt với cơ sở, qua đó đã hướng dẫn cấp hội cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân, kịp thời giải quyết những bức xúc và đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách phù hợp, nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp hội trong tỉnh đã kết nạp 48.323 hội viên mới, đạt 148% so với nghị quyết đề ra; có 165.568 hội viên, đạt 70,21% số hộ nông nghiệp. Công tác quản lý và nâng cao chất lượng hội viên ngày càng được nâng lên. Số hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ đạt 75% ở đồng bằng và 55% ở miền núi, hải đảo. Điều đáng ghi nhận là, các cấp hội đã tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đúng quy định của trung ương và địa phương; xây dựng đề án vị trí việc làm đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế 10%. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, kiện toàn đội ngũ cán bộ được các cấp hội chú trọng; đặc biệt là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các chi hội, tổ hội cơ sở.

Hội Nông dân tỉnh trình diễn và chuyển giao máy gặt đập liên hợp cho HTX Nông nghiệp Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi).                                                         ẢNH: MỸ HOA
Hội Nông dân tỉnh trình diễn và chuyển giao máy gặt đập liên hợp cho HTX Nông nghiệp Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: MỸ HOA


PV: Công tác hỗ trợ nông dân, nhất là chuyển giao các mô hình kinh tế và kỹ thuật sản xuất, được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Duy Sung: Ngoài việc tích cực hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, trong 5 năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cũng cho gần 2.300 lượt hộ vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất, với số tiền gần 48 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học-công nghệ, các cấp hội nông dân đã phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện, chuyển giao 30 đề tài, dự án, mô hình ứng dụng khoa học công -  nghệ có liên quan đến nông nghiệp, nông dân; tổ chức trên 5.600 buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho hơn 268 nghìn lượt nông dân về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện hàng trăm buổi hội thảo đầu bờ... thu hút hàng nghìn hội viên nông dân tham gia.

Một số tiến bộ khoa học - công nghệ cũng được cán bộ các cấp hội trực tiếp, hoặc phối hợp cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao để nông dân ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, như sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới để thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng máy dò ngang, máy định vị trong đánh bắt hải sản... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sau thu hoạch các loại cây trồng ngắn ngày từ 48 triệu đồng/ha (năm 2013) lên 71,6 triệu đồng/ha (năm 2017); trên 1.600ha đạt giá trị sau thu hoạch từ 100–300 triệu đồng/ha/năm; năng suất bình quân vật nuôi năm 2017 tăng 1,4 lần so với năm 2013...

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn tổ chức đưa 56 nông dân đi nghiên cứu, học tập về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở các nước Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia và Trung Quốc; phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 20 con em nông dân đi lao động nước ngoài có việc làm ổn định, thu nhập cao...         

Ông Ngô Hữu Chánh, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) thành công với mô hình
Ông Ngô Hữu Chánh, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) thành công với mô hình "Vườn- ao -chuồng" nhờ sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân trong tỉnh. Ảnh: P.V


PV: Thưa ông, trong thực hiện các phong trào thi đua, các cấp hội đã đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Đinh Duy Sung: Qua thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã khích lệ, động viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và có thu nhập cao, từ 300-500 triệu đồng/năm, cá biệt có nhiều hộ đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

Trong giai đoạn 2013-2018, toàn tỉnh có 82.042 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp cơ sở có 58.646 hộ; cấp huyện, thành phố có 21.897 hộ; cấp tỉnh có 1.441 hộ và cấp trung ương có 58 hộ.

Bên cạnh đó, nông dân trong tỉnh cũng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong nhiệm kỳ qua, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp 218 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; gần 532 nghìn ngày công tham gia mở rộng đường giao thông nông thôn, tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng; hiến hơn 13ha đất để mở rộng đường; trên 10 tỷ đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa và trên 20 tỷ đồng vào Quỹ Vì người nghèo; xây dựng 120 nhà tình nghĩa và tặng hàng nghìn sổ tiết kiệm tri ân gia đình có công với nước...

Ngoài ra, các cấp hội còn vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp và tặng 1.880 sổ tiết kiệm, trị giá hơn 3,2 tỷ đồng cho nông dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 237 trường hợp cải thiện nhà ở, tổng trị giá hơn 5,4 tỷ đồng; trao 3.560 suất học bổng cho con em nông dân nghèo, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng...


PV: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch của giai đoạn 2018-2023

Giai đoạn 2018-2023, các cấp hội nông dân trong tỉnh phấn đấu có trên 80% số hộ nông dân có hội viên, bình quân mỗi năm kết nạp mới 6.000 hội viên; 100% thôn, tổ dân phố có nông dân gia nhập tổ chức hội; trên 80% chi hội đạt vững mạnh, khá, không còn chi hội yếu; trên 80% cơ sở khá và vững mạnh, không còn cơ sở hội yếu kém; hội nông dân cấp huyện, thành phố có 100% cơ sở đạt loại khá, trong đó 70% đạt vững mạnh. Hằng năm, có trên 60% hộ đăng ký và trên 50% hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp; mỗi hộ nông dân SXKD giỏi phải giúp đỡ ít nhất từ 2– 3 hộ nghèo có điều kiện để thoát nghèo...

 

 

MỸ HOA
(thực hiện)







 


.