Bất chấp những thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh

10:09, 26/09/2018
.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018, mặc dù có những thách thức trong và ngoài nước có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau, theo một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
 
Dự báo trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9%
 
Trong bản cập nhật báo cáo kinh tế hàng đầu công bố thường niên, Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2018, ADB dự báo trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% cho năm 2018, thấp hơn so với mức 7,1% được dự báo trong tháng 4 do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam ở mức 6,8%.
 
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rông, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, và đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước”.
 

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo ADB, nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.
 
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước. Tăng trưởng giảm nhẹ ở các nền kinh tế lớn như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới.
 
“Căng thẳng thương mại leo thang toàn cầu cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Do đó, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho 2019, tăng so với ước tính trong tháng 4 tương ứng là 3,7% và 4%”, ADB đánh giá.
 
Hầu hết các ngành kinh tế trọng yếu tiếp tục đạt kết quả vững chắc 
 
Cũng theo báo cáo của ADB, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,1% trong nửa đầu năm 2018, so với mức 5,8% cùng kỳ năm 2017. Hầu hết các ngành kinh tế trọng yếu tiếp tục đạt kết quả vững chắc. Sản lượng nông nghiệp và các ngành kinh tế liên quan tăng trưởng 3,9% trong sáu tháng đầu năm nay, so với 2,7% trong nửa đầu năm 2017. Nhờ thời tiết thuận lợi và nhu cầu xuất khẩu mạnh, sản lượng nông nghiệp tăng 3,3%, so với mức tăng 2,1% của sáu tháng đầu năm 2017, đồng thời lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng vững.
 
Ở diễn biến khác, cán cân thanh toán đã ghi nhận mức thặng dư ước tính bằng 8,4% GDP trong sáu tháng đầu năm nay, trong đó cả tài khoản vãng lai và tài khoản vốn đều thặng dư. Nhờ thặng dư thương mại hàng hóa trong nửa đầu năm, tài khoản vãng lai đạt mức thặng dư ước tính bằng 5,0% GDP, ngược lại với kết quả thâm hụt 1,1% trong cùng kỳ năm trước.
 
Được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI mạnh và dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng, tài khoản vốn ghi nhận mức thặng dư tương đương 7,9% GDP trong nửa đầu năm 2018. Cam kết FDI đạt 16,2 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm và giải ngân ước tính đạt 8,4 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Một phần lớn FDI tập trung vào các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu như điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.
 
Đồng thời, dòng vốn đầu tư gián tiếp ròng ước tính khoảng 2,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay giúp cho tài khoản vốn có thêm thặng dư. Nhờ đó, dự trữ ngoại hối chính thức tăng từ mức tương đương 2,7 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2017 lên mức tương đương 3 tháng nhập khẩu vào tháng 6 năm nay. Trong khi đó, đồng Việt Nam, vẫn ổn định so với đồng đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm, giảm khoảng 1% trong tháng 6, một phần do phản ứng với tăng lãi suất của Mỹ.
 
Thị trường chứng khoán biến động trong nửa đầu năm, đạt mức 1.200 điểm vào đầu tháng 4, cao nhất trong 11 năm qua, giảm xuống dưới 1.000 điểm vào tháng 5-7 khi lãi suất và lợi nhuận trên vốn tăng ở các thị trường vốn khác, và sau đó dần dần phục hồi.
 
Mặc dù lạm phát có dấu hiệu tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngân hàng trung ương, vẫn duy trì lãi suất chính sách không đổi kể từ đợt hạ lãi suất trong tháng 7/2017, nhằm giữ cho tăng trưởng tiền tệ và tín dụng phù hợp với mục tiêu chính thức. Đến cuối tháng 6 năm 2018, tăng trưởng cung tiền (M2) ước tính khoảng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, và tăng trưởng tín dụng ngân hàng là 15,0%, nhìn chung phù hợp với mục tiêu cả năm của NHNN.
 
Chương trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2018, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với trước đây. Mặc dù việc bán cổ phần của chính phủ tại 16 DNNN và thoái vốn nhà nước đã đóng góp thêm khoảng 28 nghìn tỷ đồng vào ngân sách, nhưng kết quả này chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái. Trong khi đó, chỉ có kế hoạch cổ phần hoá của 19 DNNN được phê duyệt trong nửa đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là cổ phần hoá ít nhất 85 DNNN trước cuối năm 2018.
 
Minh Ngọc/VnMedia

.