Tăng trưởng tín dụng đạt khá

03:08, 24/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để đảm bảo tính thanh khoản, tăng trưởng theo kế hoạch, các ngân hàng đang tập trung huy động vốn và cho vay thông qua nhiều gói tín dụng ưu đãi, trong đó tập trung cho vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng...

TIN LIÊN QUAN

Tín dụng nông nghiệp tăng mạnh

Nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất, điều kiện vay vốn để nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này dễ tiếp cận. Đặc biệt, kể từ khi Nghị định 55/2015 của Chính phủ ra đời, mở rộng đối tượng, nới hạn mức cho vay, dư nợ tín dụng nông nghiệp đã tăng trưởng nhanh chóng.

 

Người dân, doanh nghiệp giao dịch tại Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi.
Người dân, doanh nghiệp giao dịch tại Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi.


Tại Agribank Quảng Ngãi, tính đến 31.7.2018, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 6.072 tỷ đồng (85% tổng dư nợ). Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này cũng đã giảm xuống dưới 1,5%. Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công cho biết: “Trong những tháng cuối năm 2018, ngân hàng tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua việc nâng mức đầu tư tín dụng, giải ngân kịp thời cho các khách hàng để phát huy hiệu quả kinh tế của từng phương án, dự án. Riêng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng cũng đã chấp thuận cho vay và giải ngân 51 tỷ đồng cho một doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất nấm”.

Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm. Những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm.
 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 48.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cuối năm 2017. Tổng dư nợ ước đạt 44.000 tỷ  đồng, tăng gần 14% so với cuối năm 2017. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 17.500 tỷ đồng, tăng trên 16%; cho vay DN nhỏ và vừa ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng gần 7%. Tỷ lệ nợ xấu ước khoảng 2,6%/tổng dư nợ.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiện tại vẫn còn có những vướng mắc khiến nhiều người dân, DN chưa tiếp cận được với nguồn vốn. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp luôn chứa đựng nhiều rủi ro, như thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, thị trường sản phẩm không ổn định, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và DN...

Tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của tất cả các ngân hàng thương mại trong hệ thống luôn nằm ở mức ổn định. Lãi suất cho vay hỗ trợ DN dao động từ 6,5 - 11%/năm, giảm bình quân 0,2% so với cuối năm 2017. Để cạnh tranh, nắm bắt cơ hội kinh doanh trong những tháng cuối năm 2018, nhiều ngân hàng còn dành những chương trình ưu đãi đặc biệt cho từng đối tượng khách hàng.

Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Thị Phúc cho biết: “Nguồn vốn hiện nay của ngân hàng rất dồi dào, đáp ứng mọi nhu cầu vay của khách hàng, đặc biệt là DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện của từng DN, mà ngân hàng sẽ xem xét mức lãi suất ưu đãi khác nhau, đồng thời giải ngân nhanh chóng, giúp DN tận dụng tốt nguồn vốn để phát triển sản xuất”.

Hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động cho vay, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 18% vào cuối năm. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, việc tăng trưởng tín dụng là cần thiết, nhưng không phải bằng mọi giá, mà phải phù hợp với tình hình kinh tế. Đồng thời, tiếp tục định hướng đưa dòng vốn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro, trong đó có đầu tư bất động sản, BOT.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.