Sản xuất nông nghiệp ở Ba Tơ: Những tín hiệu lạc quan

10:08, 01/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp ở huyện Ba Tơ đã đạt được những kết quả tích cực.

Giá trị sản xuất tăng

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương cho biết, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, sản lượng lương thực của huyện đạt trên 29.500 tấn, tăng 4.500 tấn so với năm 2013. Sản lượng cây lấy bột đạt gần 11.000 tấn. Huyện cũng đã chuyển đổi gần 220ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn, đạt giá trị bình quân trên 32 triệu đồng/ha.

 Người dân xã Ba Động (Ba Tơ) có thu nhập khá nhờ ươm keo giống.
Người dân xã Ba Động (Ba Tơ) có thu nhập khá nhờ ươm keo giống.


“Trong chăn nuôi, huyện hình thành được 8 trang trại quy mô vừa, hoạt động có hiệu quả, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 1 tỷ đồng/năm. Tổng đàn gia súc gần 58.000 con, đàn gia cầm đạt 127.000 con...; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 3.200 tấn. Về lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích đất rừng trên 96.800ha, độ che phủ rừng đạt trên 71% so với năm 2013”, ông Thương cho hay.

Bên cạnh đó, những năm qua, huyện Ba Tơ cũng chủ động phát huy lợi thế về sông, hồ để phát triển nuôi trồng thủy sản. Đến nay, các hồ Tôn Dung, Suối Loa, Núi Ngang... đều được giao cho các nhóm hộ, chủ hộ nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế gia đình. Huyện còn triển khai nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn với 2 tổ hợp tác sản xuất tại xã Ba Liên và Ba Động. Đến cuối năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 30ha so với năm 2013, với sản lượng nuôi trồng đạt 158 tấn.

“Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện nhận thấy vẫn còn một số bất cập. Thời gian đến, huyện sẽ rà soát để chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp. Đơn cử như vùng quy hoạch nguyên liệu mía, keo và cây mì... Hiện nay, giá mía xuống thấp, người dân phá bỏ, nên thời gian đến huyện sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp. Đối với cây keo, huyện sẽ tuyên truyền không cho thu hoạch keo non, nên để từ 7-10 năm, nhằm nâng giá trị kinh tế đối với cây keo. Đồng thời, giảm bớt diện tích cây keo hiện có, thay vào đó là cây mít thái, cây chuối mốc, cây gỗ lớn...”.


Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ HUỲNH THƯƠNG

Phát triển theo hướng bền vững

Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song sản xuất nông nghiệp ở huyện Ba Tơ vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ, bởi nguồn lực đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong khi trình độ dân trí còn thấp, nên việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân còn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ từ Nhà nước, nên quá trình thực hiện đề án gặp không ít khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương cho biết thêm, về trồng trọt, huyện tận dụng tối đa nguồn vốn 30a, 135 để triển khai một số mô hình trồng cây gỗ lớn, cây mây, sa nhân tím dưới tán rừng và một số cây bản địa như huỳnh đàn, chuối, mít, thơm... ở các xã Ba Động, Ba Lế, Ba Nam. Hỗ trợ phát triển mô hình nuôi gà re, heo ky; đầu tư cho xã Ba Động xây dựng HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi heo thảo dược và xây dựng thương hiệu thịt trâu Ba Tơ.

Cũng theo ông Thương, khó khăn nhất trong việc triển khai thực hiện đề án là tập quán sản xuất của người dân chưa có thay đổi nhiều, tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước quá lớn. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả thấp, nên khó phát triển mở rộng.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC



 


.