Những gương sáng ở vùng biển

02:08, 06/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ làm kinh tế giỏi, một số ngư dân còn là “tuyên truyền viên”, phổ biến chính sách và pháp luật của Nhà nước, cũng như những nội dung liên quan đến các quy định trong việc khai thác hải sản...

Vượt khó làm giàu

Sinh ra và gắn bó với biển từ thuở thiếu thời, ngư dân Lưu Đình Dũng, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) luôn ấp ủ giấc mơ sở hữu tàu lớn để vươn khơi xa, nhưng kinh tế gia đình khó khăn, nên phải hơn chục năm đi bạn, ông Dũng mới thực hiện được ước mơ của mình. “Ngày khởi công đóng mới chiếc tàu công suất 720CV, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được điều khiển chiếc tàu của riêng mình, lo là chưa biết làm ăn thế nào, tiền của tích cóp cả đời mà lỡ có gì thì khổ”, ông Dũng bộc bạch.

 

Ngư dân Huỳnh Văn Đàm nêu ý kiến tại buổi tuyên truyền chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.
Ngư dân Huỳnh Văn Đàm nêu ý kiến tại buổi tuyên truyền chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.


Song, với kinh nghiệm cùng đam mê bám biển, chiếc tàu của ông Dũng hoạt động ổn định và luôn trở về với khoang đầy cá. Theo ông Dũng, tàu hành nghề lặn ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi chuyến biển kéo dài từ 25-30 ngày, thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 15-20 triệu đồng/chuyến. Điều này vừa tạo động lực để chủ tàu yên tâm vươn khơi, vừa giúp lao động gắn bó với tàu.

Trong khi đó, ngư dân Huỳnh Văn Đàm, ở xã Bình Châu cũng trở thành thuyền trưởng kiêm chủ tàu công suất 430CV, trị giá gần 3 tỷ đồng sau nhiều năm đi bạn. “Khoảng thời gian đi bạn không chỉ hun đúc trong tôi niềm tự hào và tình yêu với biển cả, mà còn giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm, nhất là khả năng phán đoán ngư trường”, ông Đàm chia sẻ. Chính vì vậy, dù nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, nhưng tàu của ông Đàm vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả, đảm bảo thu nhập cho anh em đi bạn với mức 10-20 triệu đồng/người/chuyến.

Tuyên truyền viên tích cực

Hải sâm là đối tượng khai thác chính của nghề lặn, nhưng ngày càng khan hiếm ở các vùng biển trong nước. Chính vì vậy, các tàu hành nghề lặn ở xã Bình Châu thường lén lút đến các vùng biển nước ngoài để khai thác. Việc làm này sẽ có nguy cơ “trắng tay”, nếu bị ngành chức năng phát hiện, bắt giữ; thậm chí còn lâm vào cảnh tù tội. Biết vậy, nên không chỉ “nói không” với việc khai thác thủy sản trái phép, mà ông Dũng, ông Đàm còn tích cực tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân và lao động đi bạn biết để tránh.

“Đặc thù của ngư dân là bám biển dài ngày, nên ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền. Vì vậy, việc ông Đàm, ông Dũng áp dụng phương châm “nói với nhau nghe”, nhằm phổ biến chính sách, quy định về đánh bắt hải sản cho ngư dân là rất hiệu quả”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn đánh giá. Cũng vì thường xuyên làm “tuyên truyền viên”, nên hai năm 2017-2018, Tổng cục Thủy sản và Cơ quan quản lý Thủy sản Úc tổ chức khảo sát kiến thức, ông Dũng và ông Đàm được đánh giá là nắm vững thông tin và các nội dung, quy định liên quan đến vấn đề khai thác thủy sản trái phép.


    Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.