Làng thúng chai bên sông Trà Bồng

07:08, 11/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm nép mình bên dòng sông Trà Bồng thơ mộng, dưới những lũy tre làng rợp bóng mát, những người thợ làm thúng chai ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) cần mẫn chẻ tre, đan lát... để làm nên chiếc thúng tinh xảo và bền chắc.  

Tâm huyết của người thợ  

Ông Ngô Sen (53 tuổi), ở thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh có thâm niên làm thúng chai hơn 30 năm. Ông Sen cho biết, thúng phải to mới chịu được sóng to, gió lớn. Ngư dân xã Bình Chánh chuyên đi câu mực, mỗi lần ra khơi là hai, ba tháng liền. Vậy nên, họ luôn mang theo nhiều vật dụng như lương thực, thuốc men, ngư lưới cụ... Chiếc thúng của ngư dân ở đây cũng to gấp đôi so với thúng ở các địa phương khác. Đường kính mỗi chiếc thúng từ 3,2 - 3,5m.

 Ông Ngô Sen bảo, mỗi công đoạn đều rất quan trọng, nhất là công đoạn làm vành thúng.
Ông Ngô Sen bảo, mỗi công đoạn đều rất quan trọng, nhất là công đoạn làm vành thúng.


Theo ông Sen, để làm ra một chiếc thúng chai cần đến 25-30 cây tre. Sau khi hoàn thành công đoạn chẻ lạt, người thợ tiến hành đan lát. Thoạt nhìn có vẻ dễ, nhưng đan sao cho 4 lớp góc có thể gập thành đáy thúng thì không đơn giản chút nào. Vừa  thoăn thoắt đan lát, ông Trần Thanh Minh (64 tuổi, làm ở cơ sở đan thúng của ông Sen) vừa hồ hởi chia sẻ: "Tôi biết làm thúng từ năm 24 tuổi. Lúc trời êm thì ra khơi đánh bắt. Khi biển động, tàu không đi được thì xin vào các cơ sở đan thúng để kiếm thêm thu nhập".
 

"Mỗi chiếc thúng người thợ tạo ra là họ đã dành cả tâm huyết, với mong muốn thúng sẽ bền chặt để đồng hành cùng ngư dân trên biển dài lâu".


Ông TRẦN THANH MINH
(64 tuổi), ở xã Bình Chánh (Bình Sơn)

Để làm được một chiếc thúng, người thợ phải miệt mài chẻ tre, đan lát... trong suốt 15 - 20 ngày. Họ tỉ mỉ đan những đường lạt sao cho chắc chắn, sau đó bẻ góc, rồi làm vành thúng, đánh rã (cách gọi của người làm thúng về làm bộ khung xương bên trong thúng), bôi phân bò để các khe thúng sít chặt, bôi dầu, rồi đem phơi khô.

Phải đến 10 người mới khiêng nổi một chiếc thúng. "Mỗi chiếc thúng người thợ tạo ra là họ đã dành cả tâm huyết, với mong muốn thúng sẽ bền chặt để đồng hành cùng ngư dân trên biển dài lâu", ông Minh cho biết.

Giữ nghề truyền thống

Ở xã Bình Chánh hiện còn khoảng 5 hộ làm thúng chai. Các hộ làm thúng chai ở đây cho biết, thúng chai luôn là nhu cầu cần thiết với các tàu đi biển, bởi vậy họ luôn gắn bó với nghề làm thúng chai truyền thống. Ông Sen bảo, ở xã Bình Chánh số lượng tàu hành nghề câu  mực rất nhiều, vậy nên thúng chai luôn trong tình trạng "cầu vượt cung". Hằng năm, cơ sở của ông làm nhiều nhất là 100 chiếc thúng, ít nhất khoảng 60 chiếc thúng. Nguồn thu nhập từ làm thúng chai giúp gia đình ông ổn định cuộc sống.

Anh Trương Khắc Nguyên (47 tuổi), ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh làm nghề đan thúng cũng đã hơn 20 năm. Anh Nguyên cho biết, mới đầu anh theo cha vợ đan thúng thuê hơn chục năm, sau đó hai vợ chồng mở cơ sở sản xuất thúng. Cả anh và vợ đều biết đan thúng. Cứ bình quân một năm gia đình anh làm được khoảng hơn 50 chiếc thúng. Giá thành mỗi chiếc thúng dao động từ 8,5 - 10 triệu đồng.

Ông Bùi Đức Nhơn (66 tuổi), hiện đang làm ở cơ sở làm thúng của anh Nguyên, trải lòng: "Nghề làm thúng chai được duy trì từ bao đời nay. Tôi còn có sức khỏe thì còn gắn bó với những thanh lạt, thanh tre. Nhờ những chiếc thúng chai, các con của tôi được học hành đến nơi đến chốn và thêm yêu biển, đảo quê hương".


 Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.