Hiến kế "cởi trói" cho thủ tục về giống cây trồng

02:07, 05/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh giống phàn nàn thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực giống cây trồng quá nhiêu khê. Vì vậy, DN đã “hiến kế” một số giải pháp đơn giản hóa TTHC, nhằm tạo thuận lợi cho DN hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng miền Trung-Tây Nguyên Đoàn Văn Nhân:“Chỉ cần thực hiện việc khảo nghiệm, nên bỏ giai đoạn sản xuất thử nghiệm".

  Một giống lúa từ lúc nghiên cứu đến khi đưa ra sản xuất đại trà phải mất rất nhiều năm.
Một giống lúa từ lúc nghiên cứu đến khi đưa ra sản xuất đại trà phải mất rất nhiều năm.


Theo quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng, để sản xuất một loại giống phải qua hai lần khảo nghiệm và sản xuất thử. Quá trình khảo nghiệm sẽ phải triển khai ở các vùng sản xuất ít nhất từ 1 đến gần 2 năm. Sau khi khảo nghiệm, Cục Trồng trọt sẽ cấp phép cho DN triển khai sản xuất thử nghiệm, diện tích không quá 2.000ha đối với lúa thuần, thời gian thực hiện phải từ 1-3 năm. Quy trình này khiến DN tốn rất nhiều thời gian và chi phí không đáng có. Chính vì “mất 3 năm để sản xuất một giống”, nên để tiết kiệm chi phí, hầu hết DN chỉ tập trung kinh doanh; ít đầu tư vào việc nghiên cứu, lai tạo và sản xuất giống. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giống cây trồng hiện nay.   

Giám đốc Công ty Giống cây trồng miền Nam, Chi nhánh miền Trung Phan Tấn Hay: “Lãng phí rất nhiều chất xám và chi phí, vì giống phải mất hàng chục năm mới được bảo hộ”.

Nhiều loại giống từ lúc nghiên cứu đến khi được bảo hộ mất cả chục năm. Vì vậy, khi giống đến được với nông dân thì chất lượng đã giảm hoặc không còn phù hợp. Đã thế, một số giống vừa mới công bố bảo hộ, nhưng đã bị xâm phạm bản quyền, rồi lại phải tổ chức khảo nghiệm riêng. Đối với tỉnh Quảng Ngãi, các TTHC liên quan đến lĩnh vực giống cây trồng đã được các đơn vị liên quan tiết giảm khá nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho DN triển khai tổ chức sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất giữa ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong việc lựa chọn giống, quy định vùng sinh thái... để DN tổ chức sản xuất thử.

Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam Đỗ Tiến Sỹ:“Cần xã hội hóa công tác khảo nghiệm giống cây trồng”.

Quá trình nghiên cứu sản xuất giống, mỗi DN đều tiến hành nghiên cứu sản xuất trồng thử. Vì vậy, khảo nghiệm chỉ là hoạt động kiểm định độc lập của các tổ chức nên cần xã hội hóa để vừa tiết kiệm ngân sách, vừa đảm bảo tính khách quan về chất lượng của giống cây trồng... Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả khảo nghiệm cũng như tránh tình trạng “mỗi nơi lập một hội đồng khoa học” thì việc kiểm tra, đánh giá cần tập trung "về một mối”.

Một vấn đề nữa là, hiện nay ngành nông nghiệp có hàng trăm loại giống cây trồng ở các lĩnh vực dược liệu, lâm nghiệp, hoa, rau... được người dân sản xuất nhưng chưa được công bố và đăng ký. Vì vậy, thật phi lý khi giống lúa hay bắp chưa được công bố, đăng ký thì dân không được sản xuất, mặc dù DN đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết về đảm bảo chất lượng và bản quyền. Do đó, ngành nông nghiệp cần hình thành “ngành công nghiệp về giống cây trồng” để đảm bảo hiệu quả giống cây trồng. Muốn làm được điều này, bên cạnh việc cắt giảm những chi phí, TTHC không cần thiết thì phải đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về ngành giống.


  Bài, ảnh: THANH PHONG

 


.