Giải pháp nào cho Nhà máy xi măng Đại Việt

09:07, 25/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà máy Xi măng Đại Việt- Dung Quất (Công ty CP Xi măng Miền Trung), đóng tại xã Bình Đông (Bình Sơn), gây ô nhiễm môi trường, bị người dân ngăn cản không cho hoạt động kéo dài nhiều năm qua. Tháng 2.2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan giải quyết vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án tối ưu.

TIN LIÊN QUAN


Ám ảnh bởi bụi và tiếng ồn

Đã hơn một năm nay, Nhà máy Xi măng Đại Việt ngưng hoạt động, thì cũng chừng ấy thời gian cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở thôn Sơn Trà và Tây Hy, xã Bình Đông trở lại khung cảnh bình yên như trước, vì bụi, tiếng ồn tạm thời không còn. Người dân ở đây luôn ám ảnh bởi những lớp bụi phủ kín nhà cửa, cây cối; tiếng ồn thì dội vào tai ngày đêm. “Nhà máy mà hoạt động trở lại thì có lẽ người dân phải đi; còn không thì nhà máy phải đóng cửa, hoặc chuyển đi nơi khác", bà Truất, một người dân ở đây nói.

 

Người dân xã Bình Đông (Bình Sơn) dựng lều trước cổng Nhà máy xi măng Đại Việt ngăn cản không cho nhà máy hoạt động.
Người dân xã Bình Đông (Bình Sơn) dựng lều trước cổng Nhà máy xi măng Đại Việt ngăn cản không cho nhà máy hoạt động.


Ông Nguyễn Thành Phương, thôn Tân Hy kể: Nhà ông cách nhà máy khoảng 700m, nhưng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà cửa, đường đi xung quanh nhà máy luôn mù mịt bụi. "Người dân không muốn cản trở hoạt động của doanh nghiệp, nhưng nói thật là không còn cách nào khác, vì mỗi khi hoạt động nhà máy lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng", ông Phương bộc bạch.

Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho biết: Mới đây, huyện cùng với các sở, ngành liên quan của tỉnh đã ra Hà Nội họp bàn với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc Nhà máy Xi măng Đại Việt gây ô nhiễm môi trường, khiến dân không cho hoạt động. Với vai trò quản lý nhà nước ở địa phương, huyện vẫn giữ quan điểm, nếu nhà máy hoạt động thì phải đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Nguy cơ phá sản

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Văn Thanh cho biết: Thời gian qua, nhà máy đã đầu tư cải tiến, nâng cấp thiết bị, nhằm đảm bảo môi trường khi sản xuất... Chính quyền cũng đã cố gắng dung hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, song làm gì thì làm, nhưng nhất định phải đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân.

Mới đây, Công ty CP Xi măng Miền Trung có báo cáo gửi UBND tỉnh có nêu, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để khắc phục, cải tiến, nâng cấp thiết bị xử lý môi trường tại Nhà máy Xi măng Đại Việt, đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Sắp tới, nhà máy sẽ vận hành thử nghiệm toàn bộ các công đoạn sản xuất, tiến hành quan trắc môi trường, công khai kết quả để UBND tỉnh cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Thời gian hoạt động dự kiến từ ngày 25.6 - 15.8.2018.

Cũng theo Công ty CP Xi măng Miền Trung, do ngừng hoạt động quá lâu nên toàn bộ người lao động của công ty đã nghỉ việc; còn công ty thì nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Do đó, nếu không có giải pháp tối ưu trong thời gian đến thì nhà máy có nguy cơ phá sản.

Không khắc phục được thì đóng cửa


Chia sẻ vấn đề ô nhiễm môi trường do Nhà máy Xi măng Đại Việt gây ra với đại biểu HĐND tỉnh, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XII, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng khẳng định, việc đền bù và di dời các hộ dân ở khu vực Nhà máy Xi măng Đại Việt tốn kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tỉnh không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện. Do đó, nếu Nhà máy Xi măng Đại Việt không khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường thì buộc phải đóng cửa.    

 


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN



 


.