Công tác giảm nghèo ở miền núi: Còn nhiều trăn trở

07:07, 28/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quá trình triển khai đầu tư, hỗ trợ cho người dân thoát nghèo từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững là rất đáng ghi nhận. Song, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc sử dụng nguồn vốn, bởi có quá nhiều rào cản, khó khăn, nhất là giai đoạn hậu đầu tư để làm sao đồng tiền bỏ ra mang lại hiệu quả cao nhất.

TIN LIÊN QUAN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ: "Tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng chưa bền vững"

Các địa phương miền núi đã thay đổi rất nhiều, nhưng tồn tại là việc triển khai chỉ đạo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở các địa phương quá chậm. Hơn 10 năm thực hiện Chương trình 30a mà vẫn chưa tạo ra vùng sản phẩm có tính đặc trưng, chưa tạo được nguồn thu ổn định, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng chưa bền vững. Thời gian đến, việc phân khai vốn phải làm sớm, các huyện cần rà soát đánh giá lại hộ nghèo sao cho chuẩn, để phân bổ nguồn lực hỗ trợ phù hợp.
Chỉ hiệu quả ở... mô hình

Lợi thế khi có diện tích đất rừng lớn và bản tính cần cù, nên anh Đinh Pủ, ở thôn Hà Thành, xã Sơn Thành (Sơn Hà) được địa phương chọn làm điểm để phát triển mô hình kinh tế rừng. Anh được hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng, để mua 800 cây chuối giống về trồng trên diện tích hơn 2,5ha và đầu tư chuồng trại nuôi heo ky và gà.

Sau gần 1 năm thực hiện, đến nay chuối cho trái và xuất bán ra thị trường, đàn heo tăng trưởng về số lượng. Tuy vậy, tình trạng cây chuối hay chết nhát, nên anh phải tự mày mò học hỏi trên mạng để tìm hiểu cách chữa trị. Ngoài ra, do kinh nghiệm thực tế chưa có, cộng với thiếu vốn đầu tư, nên mô hình trên vẫn chưa tạo ra sự khác biệt.

Là người được “chọn mặt gửi vàng”, nhưng chính anh Pủ cũng băn khoăn trong phát triển kinh tế gia đình, vì anh cho rằng, người dân cần được hỗ trợ lâu dài từ vốn đến kỹ thuật, mới có thể nắm bắt kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, cũng như tìm đầu ra bền vững cho cây trồng, vật nuôi.
 
Đối với một số mô hình khác như hỗ trợ nuôi gà, dê... cũng chỉ mang lại hiệu quả bước đầu, khi hết thời gian của dự án, việc nhân rộng là rất khó bởi nhiều nguyên nhân, nhưng mấu chốt chính là việc người dân không có vốn để làm ăn và còn hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Anh Đinh Pủ, thôn Hà Thành, xã Sơn Thành (bên trái) nêu kiến nghị với lãnh đạo tỉnh.Giải ngân đạt thấp
Anh Đinh Pủ, thôn Hà Thành, xã Sơn Thành (bên trái) nêu kiến nghị với lãnh đạo tỉnh.Giải ngân đạt thấp

Để giảm nghèo bền vững, đầu tiên là trao cho người dân “cần câu cơm”, sau đó là hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật, phương pháp chăm sóc, nuôi trồng trong thời gian dài thì họ mới hiểu và có thể tự tay thực hiện, khi đó đồng tiền dự án mới thực sự phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân là chuyện muôn thuở, bởi sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Một trong những nguyên nhân khiến công trình không phát huy hiệu quả là thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Nhiều công trình hư hỏng nhẹ, lẽ ra nếu được bảo dưỡng, sửa chữa sớm thì số tiền duy tu sẽ không lớn, nhưng để lâu ngày, “bệnh” trở nên nặng, chữa rất khó.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 là 296,5 tỷ đồng (vốn trung ương gần 276 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương). Ngay từ đầu năm, việc giải ngân vốn được các cấp ngành và địa phương thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải ngân đạt rất thấp. Đến cuối tháng 6.2018, tổng số tiền hơn 190 tỷ đồng dành cho đầu tư phát triển mới chỉ giải ngân đạt 25%. Đối với nguồn vốn sự nghiệp vẫn chưa giải ngân được, dù nguồn vốn này hơn 106 tỷ đồng.

Lúng túng chọn cây, con giống

Thiếu nguồn vốn tái đầu tư, thiếu kiến thức, tư duy làm ăn, ỉ lại vào hỗ trợ của Nhà nước... là những nguyên nhân căn bản khiến cho công tác giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả. Song một phần lỗi cũng xuất phát từ cơ quan chức năng.

Trong đó, một số địa phương được phân khai vốn, nhận tiền về cất trong tủ và không thể tiêu được, vì lúng túng không biết chọn cây, con giống nào, để cấp cho người dân. Hầu như các địa phương miền núi được thụ hưởng  chương trình đang “mắc kẹt” giữa yêu cầu tiến độ giải ngân và tính hiệu quả trong đầu tư.

Trong khi đó, một số địa phương lại khó xử lý, khi nguồn vốn sự nghiệp đến tháng 4.2018 mới phân khai. Nhiều địa phương đề nghị sớm bố trí nguồn vốn ngay từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc cho rằng, để tránh bị động, tỉnh nên bố trí vốn cho huyện một lần và không nên sợ “chôn vốn”, vì như vậy huyện sẽ chủ động hơn trong phân khai nguồn vốn mục tiêu. Đơn cử như công trình điện khoảng 5 tỷ đồng, nhưng bố trí chỉ 1,5 tỷ đồng thì làm sao đầu tư được. Do đó, phân khai một lần, để huyện chủ động bố trí vốn đầu tư cho hiệu quả.

“Về hợp phần phát triển sản xuất, huyện miền núi như Tây Trà, cây mới, con mới không nhiều. Trong khi Tây Trà có cây gừng gió, ớt xiêm phát triển được, vốn đầu tư ít, giá trị kinh tế cao, nhưng lại không có trong danh mục đầu tư theo Quyết định 372 của UBND tỉnh, nên huyện không thể thực hiện. Ngoài ra, một số cây dược liệu tỉnh khuyến khích phát triển, nhưng cũng không có trong danh mục, nên rất khó cho huyện. Do đó, cần có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế từng địa phương”, ông Ngọc nói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết: “Có sinh mà không có dưỡng”

Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức trong việc giảm nghèo bền vững. Đối với hệ thống nước tự chảy sau đầu tư, cần có quy định trong quản lý, vận hành công trình nước sạch. Trong đó, phải có cơ chế cho phép khu dân cư tổ chức thu phí đối với người dân khi sử dụng công trình, bởi có tiền thì khi công trình hỏng sẽ sửa chữa ngay, việc quản lý cũng sẽ chặt chẽ hơn, người dân lại có trách nhiệm trong quản lý, vận hành.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng: "Phải có một đánh giá tổng quát"

Chương trình khuyến khích người dân tạo ra sản phẩm đối với Sơn Tây không ngoài sản phẩm gì khác là keo, mì và lúa nước. Việc đánh giá phương thức đầu tư, hỗ trợ là cần thiết, bởi Sơn Tây cũng chưa biết “tìm lối đi” như thế nào cho phù hợp. Quan điểm của Sơn Tây về trồng cây gì khác biệt là rất khó khăn, bởi chưa có cơ quan nào đánh giá Sơn Tây thích hợp trồng loại cây gì. Đơn cử như cá tầm, mắc ca, huyện cũng chỉ mò mẫm để làm. Để phát triển bền vững, huyện mời Viện Khoa học Tây Nguyên về khảo sát, đánh giá địa hình để xây dựng mạng lưới cây trồng một cách khoa học. Trước đây, Sơn Tây có làm, nhưng tốn nhiều tiền mà không hiệu quả. Hầu như các quy hoạch chỉ là sao chép, không đáp ứng được nhu cầu phát triển riêng biệt của địa phương. Muốn thoát nghèo bền vững và phát triển phải có một đánh giá tổng quát trên phương diện của từng địa phương cụ thể.

Anh Đinh Pủ, thôn Hà Thành, xã Sơn Thành: "Người dân cần sự hỗ trợ lâu dài về vốn và kỹ thuật"

Cái khó trong phát triển kinh tế như mô hình của tôi là nguồn nước tưới không đảm bảo, vào mùa khô không có nước, cây chuối teo tóp và cho trái không đạt chất lượng. Tôi muốn đầu tư hệ thống hồ trữ nước và tưới nhỏ giọt, nhưng không có vốn. Để nông dân nghèo chúng tôi thoát nghèo bền vững rất cần lắm sự hỗ trợ lâu dài về vốn và kỹ thuật.

NGỌC QUANG (thực hiện)

 


 


.