Chật vật đầu tư vào nông nghiệp (kỳ 2)

05:07, 12/07/2018
.

TIN LIÊN QUAN


 Kỳ 2: Vượt khó


(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng với cách làm hay, táo bạo của doanh nghiệp (DN), cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã vượt khó, hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Đồng hành cùng doanh nghiệp

Gần 2 năm đi vào hoạt động, Trang trại chăn nuôi heo Đức Hòa hoạt động ổn định với quy mô hàng chục nghìn con heo mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương. Trang trại này được Công ty CP Chăn nuôi CP xếp hạng nhất trong số 18 trang trại ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên về việc tuân thủ các quy định về chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học. Kết quả này có được là nhờ DN lựa chọn hướng đi đúng, phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Chăn nuôi heo theo hướng VietGAP vừa tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng), vừa đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, nên hạn chế được tình trạng ô nhiễm, tăng chất lượng sản phẩm”, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kinh doanh Đức Hòa Khưu Thị Ngọc Bích cho biết.

Cây ăn quả được huyện Nghĩa Hành chọn phát triển theo hướng hàng hóa. Ảnh: M.HOA
Cây ăn quả được huyện Nghĩa Hành chọn phát triển theo hướng hàng hóa. Ảnh: M.HOA


Năm 2015, Dự án Trang trại chăn nuôi heo Đức Hoà do Công ty TNHH Dịch vụ Kinh doanh Đức Hòa đầu tư, với kinh phí gần 26 tỷ đồng, được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư tại xã Đức Hòa (Mộ Đức). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều vướng mắc, từ việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng đến sự nghi ngại của người dân địa phương...

Hơn nữa, kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc để ứng dụng công nghệ cao trong quá trình chăn nuôi quá lớn, nên DN suýt hụt hơi. Song với quyết tâm của mình, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền các cấp, nên DN đã vượt qua khó khăn, để đưa dự án hoạt động đúng tiến độ. “Nếu không được người dân ủng hộ, chính quyền cơ sở  kịp thời tháo gỡ khó khăn, ngành chức năng hướng dẫn DN hoàn thành thủ tục thụ hưởng chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210 của Chính phủ với mức hỗ trợ 8 tỷ đồng, thì dự án sẽ không có được thành công như hôm nay”, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kinh doanh Đức Hòa Khưu Thị Ngọc Bích chia sẻ.

Còn dự án trang trại chăn nuôi heo sạch Xuân An, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Phong Thành đầu tư cũng được xem là “điểm sáng” về sự bền bỉ của DN và sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Với quy mô 3.000 con heo được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, kinh phí đầu tư gần 16 tỷ đồng, dự án hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi địa phương.

Ngoài 2 dự án trên, toàn tỉnh còn có 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần rất lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu ngành. Vì vậy, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 4,5%/năm, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 63% (năm 2015) còn 57% vào năm 2017, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 37% (năm 2015) lên 43% vào năm 2017.

“Ngoài nội lực, sự quyết tâm của DN, sự đồng hành của chính quyền các cấp trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cũng như thực thi hiệu quả các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư là yếu tố quyết định sự thành công của các dự án”, Giám đốc Dự án sản xuất rau củ quả ứng dụng công nghệ cao, Công ty TNHH Sản xuất Nông sản sạch Việt Vân Bùi Xuân Tuyến, nhìn nhận.

Thực tế, đầu tư vào nông nghiệp không chỉ cần quỹ đất đủ lớn và “sạch”, mà nguồn nhân lực cũng phải có tay nghề và trình độ. Tuy nhiên, phần lớn đất nông nghiệp đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng cho hộ nông dân, nên DN rất khó tìm mặt bằng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đó là chưa kể tập quán canh tác và lực lượng lao động chưa đảm bảo... Chính vì vậy, sự đồng hành của chính quyền các cấp sẽ tiếp thêm động lực để DN vượt khó, mạnh dạn đầu tư.
 

"Bên cạnh việc phát triển các loại nông sản đặc trưng, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu, lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh để liên kết tổ chức sản xuất, nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm. Sự liên kết này không chỉ giải quyết được bài toán quỹ đất, mà còn tạo thuận lợi trong việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân, cũng như xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm".


Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TRẦN NGỌC THƯƠNG

Kỳ vọng hướng đi mới

Song song với việc thu hút DN, chính quyền một số địa phương còn xây dựng và triển khai thực hiện một số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để “làm nền”. Điển hình là huyện Nghĩa Hành và Sơn Hà. Nhằm nâng cao hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2009, huyện Nghĩa Hành phối hợp với Sở KH&CN triển khai thực hiện đề tài “Bình tuyển cây đầu dòng và thực hiện nhân giống vô tính một số cây ăn quả sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh tại huyện Nghĩa Hành”.

Gần 10 năm vừa trồng, vừa thử nghiệm, phải "đánh vật" với những khó khăn, thử thách, từ thổ nhưỡng đến tâm lý người dân, hiện nay cây ăn quả trở thành đối tượng chủ lực, được người dân và chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện tập trung phát triển theo hướng hàng hóa.

“Hiệu quả kinh tế mà cây ăn quả mang lại cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác trên địa bàn. Cụ thể, sầu riêng là 1 tỷ đồng/ha; chôm chôm, bưởi da xanh khoảng 550 – 600 triệu đồng/ha... Chính vì vậy, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng từ 23ha (năm 2009) lên 200ha vào năm 2017 và đang tiếp tục được mở rộng”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình, cho biết.

Trong khi đó, huyện Sơn Hà cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh kết nối thành công với siêu thị Big C miền Trung trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm rau, gà kiến. “Xác định giải pháp duy nhất để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm là liên kết với DN. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền và hướng dẫn người dân thay đổi thói quen sản xuất, thu hoạch, các thành viên trong Dự án kết nối tiêu thụ thực phẩm Sơn Hà còn tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long chia sẻ.

Sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền các cấp huyện Sơn Hà đã gặt “quả ngọt” khi năm 2017, siêu thị Big C miền Trung đồng ý trưng bày một số loại rau rừng và gà kiến Sơn Hà. Nhờ đảm bảo chất lượng và yêu cầu vệ sinh, nên sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm 2018, gần 3.000kg thịt gà kiến, hơn 3.000kg rau rừng các loại và 290kg ớt xiêm đã được tiêu thụ tại siêu thị Big C miền Trung.

Không chỉ đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ, huyện Sơn Hà cũng chú trọng công tác tuyên truyền và hỗ trợ người dân thay đổi tư duy, thói quen sản xuất. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Central Group Việt Nam và Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung trong việc tổ chức đào tạo kỹ thuật sản xuất cho người dân.

Việc xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở huyện Nghĩa Hành, hay liên kết tiêu thụ sản phẩm của huyện Sơn Hà là hướng đi đúng, phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Song, để đảm bảo tính bền vững và ổn định, cần nhiều yếu tố, nhất là công tác nắm bắt thông tin thị trường và xúc tiến thương mại. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long kiến nghị các sở, ngành của tỉnh tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức quảng bá sản phẩm, xúc tiến đầu tư; cũng như tập huấn kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân và DN tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA-BẢO HÒA

------
Kỳ cuối: Để nông nghiệp “cất cánh"          

                                                                                                   

 


.