Vay đóng mới tàu theo Nghị định 67: Linh hoạt trong xử lý nợ quá hạn

10:06, 17/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, Quảng Ngãi có 54 chiếc tàu vỏ gỗ, 11 chiếc vỏ thép và 1 chiếc vỏ composite được vay vốn đầu tư theo NĐ 67/CP đã và đang hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, cái khó trong vấn đề này là số nợ xấu phát sinh ngày càng nhiều.

TIN LIÊN QUAN

Gỡ “nút thắt” về nợ quá hạn

Đến cuối tháng 5.2018, trong số 66 hợp đồng tín dụng cho vay theo NĐ 67/CP được các ngân hàng thương mại (NHTM) giải ngân 379 tỷ đồng, thì đã phát sinh nợ xấu khoảng 75 tỷ đồng.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành NĐ 17/2018 để thay thế NĐ 67/2014. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 12 để thay thế Thông tư 22/2014. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép các NHTM được chuyển giao khoản nợ của chủ tàu cũ cho chủ tàu mới, với điều kiện khoản nợ được bàn giao bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng. Sau khi nhận bàn giao khoản nợ của chủ tàu cũ, chủ tàu mới sẽ được các NHTM tiếp tục ký hợp đồng tín dụng và hỗ trợ lãi suất vay theo NĐ 17/CP, để thực hiện dự án đóng mới tàu cá mà chủ tàu cũ thực hiện chưa xong.

Theo Nghị định 17/CP, tàu vỏ thép có công suất từ 800CV – 1.000CV được hỗ trợ một lần tối đa 35% giá trị tàu.
Theo Nghị định 17/CP, tàu vỏ thép có công suất từ 800CV – 1.000CV được hỗ trợ một lần tối đa 35% giá trị tàu.


Việc bổ sung các quy định cho phép các NHTM được chuyển đổi chủ tàu như thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi lẽ, sau 4 năm thực hiện cho vay theo NĐ 67/CP, tại một số địa phương đã phát sinh trường hợp các chủ tàu đã vay vốn, nhưng vì nhiều lý do không thể tiếp tục dự án đóng tàu, hoặc không còn đủ điều kiện để vươn khơi, nhưng chưa có cơ chế để xử lý. Chính vì vậy, cơ chế cho phép chuyển đổi chủ tàu sẽ là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt trong việc xử lý nợ đối với các khoản vay đã quá hạn; hạn chế tỷ phát sinh nợ xấu đối với hoạt động cho vay phát triển thủy sản.
 

"Thực hiện chủ trương của Nhà nước, BIDV – Chi nhánh Quảng Ngãi đã cho vay đầu tư 6 tàu cá theo NĐ 67/CP. Đến nay, tất cả các tàu này đều phát sinh nợ xấu, với số tiền trên 70 tỷ đồng. Ngân hàng đã nhiều lần mời các chủ tàu đến làm việc, nhưng đến nay họ vẫn chưa chịu trả nợ. BIDV Quảng Ngãi đang xin ý kiến của UBND tỉnh về hướng xử lý các trường hợp nợ quá hạn theo quy định của pháp luật".


Giám đốc BIDV Quảng Ngãi NGUYỄN THÀNH PHƯỚC

 

Mở cơ chế cho ngân hàng

Bên cạnh việc tháo gỡ nút thắt về chuyển nhượng tàu cá, có thêm một điểm mới được bổ sung trong NĐ 17/CP sẽ là “điểm tựa” để các NHTM mạnh dạn cho vay đóng mới tàu cá trong thời gian tới. Cụ thể là, từ tháng 3.2018, các dự án đóng mới tàu cá có công suất từ 800 - 1.000CV, được ngân sách hỗ trợ một lần 35% giá trị tàu đóng mới (không quá 6 -7 tỷ đồng/tàu); tàu cá có công suất 1.000CV trở lên, ngân sách sẽ hỗ trợ 35% giá trị con tàu (không quá 8 tỷ đồng/tàu).

Theo lãnh đạo các NHTM, NĐ 67/CP trước đây quy định, ngân hàng phải cho vay 70 – 95% giá trị con tàu, nên mức độ rủi ro cao. Còn với chính sách mới, ngân sách hỗ trợ một lần tối đa 35% giá trị tàu, cộng với việc hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên hằng năm và 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, thì độ rủi ro khi cho vay sẽ giảm. Bởi một khi ngư dân cùng bỏ vốn đầu tư và ngân hàng chủ động trong quá trình xét duyệt cho vay thì chất lượng tín dụng sẽ được nâng lên.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.