Mô hình khuyến nông: Quay về với sản phẩm truyền thống

08:06, 28/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều mô hình khuyến nông đã quay lại với những loại cây truyền thống của địa phương. Nhưng điểm khác là tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, giúp nông dân nâng cao giá trị cho nông sản, làm giàu trên chính cánh đồng của quê hương.

TIN LIÊN QUAN

Rất nhiều mô hình khuyến nông khi được triển khai trên địa bàn tỉnh, chỉ dừng lại ở mô hình trình diễn, chứ không thể nhân rộng. Một trong những trở ngại là những cây trồng, vật nuôi khi được triển khai là những cây con mới, nên kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc còn khá xa lạ với nông dân, phân khúc tiêu thụ trên thị trường khá hạn hẹp, vì vậy khi sản xuất đại trà, sản phẩm lâm vào cảnh bí đầu ra. Chính vì vậy, sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đang thay đổi các mô hình khuyến nông theo hướng chọn những cây, con truyền thống.

Nông dân xã Bình Hải (Bình Sơn) chăm sóc cây hành tím.
Nông dân xã Bình Hải (Bình Sơn) chăm sóc cây hành tím.


Tại huyện Bình Sơn, nhiều mô hình khuyến nông được triển khai như nuôi nhím, thỏ, bồ câu, gà H'mông... nhưng không thể nhân rộng, vì thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, huyện đang quay lại áp dụng các mô hình khuyến nông đối với những sản phẩm truyền thống như nghệ vàng Bình Châu, hành tím Bình Hải, nén Bình Phú, gà ta...

“Đây là những sản phẩm mà nông dân đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc từ lâu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là quy trình kỹ thuật chăm sóc chưa theo tiêu chuẩn, đặc biệt là chưa xây dựng được thương hiệu. Do vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững hơn, đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa”, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn Lê Đăng Khoa cho biết.

Tương tự như huyện Bình Sơn, các mô hình khuyến nông ở huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành cũng đang được đẩy mạnh với các loại cây trồng, vật nuôi mà địa phương có nhiều thế mạnh.

Hiện nay, huyện Nghĩa Hành chú trọng đẩy mạnh phát triển vườn cây ăn quả, với tổng diện tích hàng trăm hécta. Đây là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả nhiều nhất tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các xã Hành Nhân, Hành Minh... Kỹ sư Lê Văn Chính - Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Nghĩa Hành cho biết, năm 2018, mô hình trồng cây ăn quả có 54 hộ tham gia, tập trung ở 9 xã, thị trấn của huyện. Trạm đã tiến hành cấp giống cây ăn quả, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đợt 1 cho các hộ tham gia.

Mặc dù người dân có kinh nghiệm trong việc trồng cây ăn quả, nhưng cán bộ khuyến nông đứng cánh địa bàn vẫn phải trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn sạch mới tạo được sự khác biệt với cây ăn trái ở những nơi khác.
 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.