Bất cập trong thực thi nguồn vốn chính sách

10:06, 18/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình cho vay với lãi suất cực kỳ ưu đãi dành cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, tạo ra động lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp không ít vướng mắc, khiến một số nguồn vốn bị “đóng băng”, “xin trả vốn”, "điều chỉnh vốn"...

Chính sách chờ... cơ chế

Theo Nghị định (NĐ) 75 của Chính phủ, giai đoạn 2015- 2020, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng, chăn nuôi được vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) với lãi suất siêu ưu đãi 1,2%/năm, thời hạn vay 10 năm. Tuy nhiên, dù chính sách này có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2015, nhưng mãi đến năm 2017, Quảng Ngãi mới triển khai chương trình này.

Theo đó, trung ương đã phân bổ cho Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi 7 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2017, nguồn vốn này vẫn không thể giải ngân được, nên phải trả vốn về trung ương. Nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn cụ thể của UBND tỉnh về từng loại cây, con giống, vốn đối ứng, thiết kế rừng...

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, hàng nghìn hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, hàng nghìn hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững.


Để thực hiện chương trình cho vay theo NĐ 75, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn về từng loại cây, con, thiết kế trồng rừng phù hợp cho từng địa phương. Theo đó, xuất phát từ nhu cầu, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phân bổ kinh phí từ nguồn trung ương cho huyện Nghĩa Hành 500 triệu đồng và huyện Ba Tơ 500 triệu đồng, để triển khai thực hiện. Song, vướng mắc hiện nay là ngân sách tỉnh đối ứng để hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ trồng rừng vẫn chưa có nguồn, nên dù có vốn các huyện vẫn không thể cho vay được.

Bên cạnh NĐ 75, ngày 31.10.2016, Chính phủ lại ký ban hành Quyết định (QĐ) 2085 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017 – 2020. Mục tiêu là để giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn... Tuy nhiên, đến nay phần lớn các địa phương vẫn chưa tiến hành rà soát đối tượng, để Ngân hàng CSXH tỉnh tổng hợp xin kinh phí, trừ huyện Nghĩa Hành đã được cấp 500 triệu đồng và Ba Tơ 1 tỷ đồng.

Vướng vì không có... giấy giới thiệu

Nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) của thanh niên ở các huyện nghèo miền núi tại thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng nhiều. Và thực tế, thời gian qua, những trường hợp vay vốn đi làm ăn tại các nước trên đều đem lại hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn. Song hiện nay, nguồn vốn XKLĐ thuộc huyện nghèo theo QĐ 71/2009 cũng đang bị vướng.

Hiện có 3 nguồn vốn dành cho đối tượng lao động huyện nghèo miền núi đi XKLĐ, đó là nguồn vốn theo QĐ 71 và NĐ 61 của Chính phủ, QĐ 57 của UBND tỉnh. Theo đó, tất cả các đối tượng đều được vay vốn theo NĐ 61 và QĐ 57, với mức lãi suất bằng hộ nghèo thông thường. Nếu vay theo NĐ 61 từ nguồn vốn trung ương, người vay sẽ được vay 100% chi phí theo hợp đồng XKLĐ, nhưng trường hợp này có ràng buộc là người vay chỉ được vay tín chấp 50% và 50% còn lại muốn vay  phải có tài sản thế chấp.

Còn nếu vay theo QĐ 57, người vay chỉ vay được tối đa 50 triệu đồng cho một hợp đồng đi XKLĐ, vì nguồn vốn của tỉnh có hạn. Riêng với QĐ 71, chỉ hộ nghèo thuộc huyện nghèo miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số mới được vay với lãi suất cực kỳ ưu đãi, bằng một nửa lãi suất hộ nghèo (0,275%/năm) và được vay tối đa 100% chi phí đi XKLĐ mà không phải thế chấp.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là theo quy định, doanh nghiệp được đưa người đi XKLĐ phải có giấy giới thiệu của Cục Lao động ngoài nước, nhưng dường như tất cả các doanh nghiệp khi đến các huyện nghèo tuyển lao động đều không đáp ứng được điều kiện trên. Vì vậy, để không lỡ cơ hội đi lao động nước ngoài, các trường hợp đều đành vay vốn theo chính sách thông thường, hoặc phải đi vay ở các ngân hàng thương mại, với lãi suất cao.

“Vênh” giữa nhu cầu và thực tế

Theo quy trình, trước khi tiến hành triển khai cho vay chương trình, chính sách tín dụng mới mà Chính phủ ban hành, Ngân hàng CSXH tại các địa phương sẽ tham mưu cho UBND huyện triển khai xuống xã họp dân để soát xét, chọn đối tượng có nhu cầu vay vốn. Sau khi tổng hợp số lượng, Ngân hàng CSXH các địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh đề xuất xin nguồn vốn trung ương dựa trên nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, đã có nhiều nguồn vốn, sau khi trung ương phân bổ về, người dân lại không có nhu cầu vay. Đơn cử như vốn làm nhà theo Quyết định 33, 48... dù nguồn vốn đã được phân bổ theo từng giai đoạn, nhưng nguồn vốn liên tục bị “tồn đọng”, vì không có... nhu cầu.

Bên cạnh đó, hiện có quá nhiều chương trình, chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, đồng bào miền núi liên quan đến hỗ trợ sản xuất, phát triển trồng rừng... dẫn đến chồng chéo. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn rất cao, nhưng nguồn vốn lại hạn hẹp.

Thực tế, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã tăng lên rất nhiều. Thế nhưng, số hộ nghèo vay vốn lại ngày càng ít đi, vì đa số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đều rơi vào trường hợp già yếu, neo đơn, không có nhu cầu vay vốn...


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 

 

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường: “Cần sớm tháo gỡ các vướng mắc”.

Nguồn vốn chính sách đã thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn lao động, người lao động có việc làm... Thế nhưng, cũng vì những vướng mắc trên mà nhiều hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Vì vậy, để tháo gỡ các vướng mắc trên, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại các chương trình tín dụng, phân tích rõ nguyên nhân vốn tồn đọng, khó giải ngân. Nếu chương trình, chính sách nào chồng chéo, trùng lắp, thì kiến nghị lên trung ương cắt giảm; nếu cùng mục tiêu cho vay, thì nên đưa về một chương trình và tăng mức cho vay.

 

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc: “Không để lãng phí nguồn vốn”.

Việc rà soát đối tượng thụ hưởng tại các xã đang gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, công việc này cần phải được kiểm tra một cách kỹ lưỡng, chính xác, tránh trường hợp vay ké, vay hộ như trước đây. Đồng thời, huyện đã giao cho các phòng chức năng hướng dẫn người dân cụ thể về thiết kế rừng, với chủ trương thà số lượng đăng ký vay ít, nhưng chắc chắn còn hơn xin nhiều vốn về mà không giải ngân hết, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

 

Bà Hồ Thị Biến – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Trung, xã Trà Sơn (Trà Bồng): “Nhiều chính sách người dân chưa nắm hết, nên không tiếp cận vốn vay”.

Người dân ở đây đa số là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ khó khăn, nên ai cũng cần vốn để trồng rừng, chăn nuôi. Nhưng lâu nay, bà con chủ yếu tiếp cận nguồn vốn dành cho hộ nghèo, cận nghèo, còn các nguồn vốn như NĐ 75, QĐ 2085, do người dân chưa hiểu, nên không tiếp cận nguồn vốn này. Nếu chính sách vay vốn này được triển khai cho người dân hiểu, tôi nghĩ với lãi suất ưu đãi hơn hộ nghèo như vậy, mọi người sẽ đăng ký vay rất nhiều.


AN NHIÊN (thực hiện)


 


.