Xây dựng nông thôn mới: Thực hiện tiêu chí thủy lợi còn nhiều khó khăn

07:05, 23/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thủy lợi là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, là đòn bẩy trong thực hiện các tiêu chí khác về nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, đây là tiêu chí khó, bởi yêu cầu kinh phí lớn trong khi ngân sách lại hạn hẹp.

TIN LIÊN QUAN

Kinh phí lớn

Nằm dọc sông Trà Bồng, nên xã Bình Minh (Bình Sơn) thường xuyên nằm trong vùng “rốn lũ”. Tuy nhiên, mùa nắng, đây cũng là địa phương bị hạn. Từ nguồn kinh phí ngân sách, năm 2016 – 2017, xã Bình Minh được đầu tư 14 tỷ đồng để nâng cấp đập Đá Giăng, đảm bảo nước tưới cho 60ha lúa. Ngoài ra, tỉnh cũng bố trí 10 tỷ đồng để nâng cấp hồ Tân An, phục vụ sản xuất cho 35ha đất tại địa phương.

Nhiều tuyến kênh nội đồng ở xã Bình Chương (Bình Sơn) chưa được kiên cố hóa.
Nhiều tuyến kênh nội đồng ở xã Bình Chương (Bình Sơn) chưa được kiên cố hóa.


Mặc dù được ưu tiên đầu tư và về đích NTM trong năm 2017, nhưng tiêu chí số 3 (thủy lợi) ở xã Bình Minh cũng mới đạt khoảng 70%. Nhiều tuyến kênh mương nội đồng vẫn còn là kênh đất, dẫn đến năng lực dẫn nước không đảm bảo, nhất là diện tích đất sản xuất ở cuối kênh và vào mùa nắng.

Thời gian qua, huyện Bình Sơn cũng đã đầu tư nâng cấp, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả nhiều công trình thủy lợi, như hồ An Phong, Gia Hội... Tuy nhiên, việc hoàn thành tiêu chí thủy lợi ở nhiều xã vẫn còn là thách thức không nhỏ, phần lớn các công trình đang xuống cấp hoặc chưa hoàn thiện, hệ thống kênh mương cần được đầu tư lớn. Vì vậy, đến thời điểm này, số xã đạt tiêu chí thủy lợi trên địa bàn huyện chỉ khoảng 25% trong tổng số xã thực hiện chương trình.

Ưu tiên nguồn lực cho công trình trọng điểm

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 122 hồ chứa nước, 459 đập dâng, 6 đập ngăn mặn và 130 trạm bơm. Tổng chiều dài hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh là 4.275km; trong đó, kênh loại I, loại II dài 1.224km; kênh loại III dài 3.051km. Chiều dài kênh mương đã kiên cố hóa là 1.796km, chiếm 42%... Điều đáng nói là, tổng năng lực tưới thiết kế của 717 công trình là 89.551ha, nhưng năng lực tưới thực tế chỉ trên 59.176ha (đạt hơn 66%).

Nguyên nhân là, do sau nhiều năm khai thác và thường xuyên chịu tác động của thiên tai, nên nhiều công trình xuống cấp, nhưng công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên chưa đảm bảo do thiếu kinh phí, công tác quản lý khai thác chưa thật được chú trọng... Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp và tăng cường quản lý khai thác công trình thủy lợi là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tuổi thọ và nâng cao hiệu quả khai thác công trình.

Để từng bước hoàn thành tiêu chí này, trước hết các địa phương cần phối hợp với đơn vị chủ quản làm tốt việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, điều tiết nước ở những công trình thủy lợi trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình. Có phương án, kế hoạch ưu tiên nguồn lực hoặc lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi, kênh mương trọng điểm, đảm bảo sản xuất nông nghiệp.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.