Tìm thị trường cho nông sản: Thông qua liên kết sản xuất, quảng bá

10:05, 25/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có nhiều mặt hàng nông sản nổi tiếng, nhưng quy mô sản xuất nhỏ, thị trường tiêu thụ không ổn định. Do đó, việc liên kết sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, nhằm tìm thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững cho mặt hàng nông sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Tăng cường quảng bá

Thông qua Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, một số HTX nông nghiệp của Quảng Ngãi vừa tham gia Hội chợ Xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Các sản phẩm tham gia hội chợ là những nông sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi, như hành tỏi Lý Sơn, mật ong rừng Ba Tơ, nấm linh chi, củ nén, rượu sâm cau, ớt xiêm rừng, chuối rừng phơi khô, tinh bột nghệ núi...

 

 

Giới thiệu sản phẩm làm từ quế Trà Bồng tại Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản thế mạnh của Quảng Ngãi tháng 4.2018 Ảnh: Thanh Nhị
Giới thiệu sản phẩm làm từ quế Trà Bồng tại Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản thế mạnh của Quảng Ngãi tháng 4.2018 Ảnh: Thanh Nhị
 
Những mặt hàng này thu hút nhiều người đến tham quan và chọn mua. Đáng mừng là, một số đơn vị sau khi tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất, chế biến những loại nông sản trên đã đặt vấn đề hợp tác lâu dài trong tiêu thụ sản phẩm. Trước đó, huyện Sơn Hà cũng đã đưa một số mặt hàng nông sản của địa phương vào bán trong hệ thống Siêu thị Big C. Mới đây, huyện đã đưa các đặc sản sạch, nguồn gốc từ núi rừng đến quảng bá tại tỉnh Quảng Ninh, gồm ớt xiêm rừng, tinh bột nghệ núi, chuối rừng sấy khô, rượu sâm cau.

Thời gian gần đây, Quảng Ngãi đã có nhiều đổi mới trong xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản. Tỉnh đã mời các doanh nghiệp (DN), các hệ thống siêu thị trong nước về tham quan thực tế tại địa phương. Ngành công thương chọn những sản phẩm nông sản tiêu biểu để tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước.
 
Với hướng đi này, nông sản Quảng Ngãi sẽ có thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần cải thiện đời sống người sản xuất. Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho biết: Các hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh trên thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Liên kết hình thành vùng sản xuất chuyên canh

Năm nay là năm thứ 6, Trung tâm Giống Quảng Ngãi (trung tâm) triển khai liên kết sản xuất lúa giống với HTX Phổ Hòa, Phổ Thuận, Phổ Văn (Đức Phổ)... Mỗi năm sản xuất khoảng 200ha, tăng lợi nhuận cho nông dân từ 15 – 25% so với sản xuất lúa đại trà. Giám đốc HTX Phổ Hòa Nguyễn Hữu Long cho biết, nông dân tham gia sản xuất lúa giống đều được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón.
 
Sau khi thu hoạch được DN mua lúa tươi ngay tại ruộng, với giá bằng lúa khô. Đối với HTX, được DN trả chi phí phối hợp triển khai từ 200 – 1.000 đồng/kg (tùy giống lúa). Với mô hình liên kết sản xuất đó, trung tâm đã chủ động được vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, đảm bảo được nguồn lúa giống cung cấp cho nông dân sản xuất đại trà.

 

Trung tâm Giống Quảng Ngãi liên kết sản xuất lúa giống với nông dân xã Đức Chánh (Mộ Đức).                  Ảnh: BẢO HÒA
Trung tâm Giống Quảng Ngãi liên kết sản xuất lúa giống với nông dân xã Đức Chánh (Mộ Đức). Ảnh: BẢO HÒA

 Tại xứ đồng Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cũng đang hình thành vùng sản xuất đậu nành giống. Ông Nguyễn Cũng cho biết: Giống sản xuất do Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy hỗ trợ và được bao tiêu sản phẩm. Vụ rồi, tôi thu hoạch 1,8 tấn đậu nành, bán được 32 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 24 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Huỳnh Thanh Long cho biết thêm, xã đã ký hợp đồng với Vinasoy để sản xuất gần 7ha đậu nành giống, với 40 hộ dân tham gia. Hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại cho nông dân tăng từ 1,5 – 2 lần so với các loại cây trồng khác.

Ông Dương Bá Sơ, chuyên viên quản lý phát triển vùng nguyên liệu đậu nành Vinasoy cho biết, từ năm 2016, Vinasoy thử nghiệm và liên kết với nông dân thôn Mỹ Hưng (Hành Thịnh), xã Đức Hiệp (Mộ Đức), Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) để sản xuất đậu nành giống. Sự liên kết này đã giúp  Vinasoy kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu cung ứng cho nhà máy.

“Nông dân phải tuân thủ quy chuẩn sản xuất do nhà máy đưa ra, được thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 18.000 đồng/kg. Đối với những hộ không đảm bảo thời gian thu hoạch thì nhà máy chỉ mua theo giá nguyên liệu từ 14.000 – 16.000đồng/kg. Về lâu dài, Vinasoy dự kiến mở rộng vùng chuyên canh sản xuất đậu nành giống ở Quảng Ngãi trên 100ha”, ông Dương Bá Sơ cho biết thêm.


T.NHỊ- B.HÒA

 


.