Tìm cách hỗ trợ nông dân

10:05, 20/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng một loại nông sản, nhưng với cách làm khác nhau, thì sản phẩm làm ra có kết quả khác nhau. Đó là điều mà nông dân và những cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân cần suy nghĩ.

Hàng nghìn hécta ớt của người dân trên địa bàn Quảng Ngãi đang vào thời điểm thu hoạch rộ, nhưng hiện giá ớt xuống rất thấp, nhiều vựa ớt nông dân đành bỏ chín rục ngoài đồng chứ không thu hái. Theo nhẩm tính của người dân, với giá ớt 3.000 đồng/kg như hiện nay, nếu thuê một nhân công (130.000đồng/ngày) hái tích cực thì cũng chỉ được khoảng 30kg ớt, bán ra chỉ được 90.000 đồng.

Cùng với cây ớt, hiện hơn 1.130 tấn dưa hắc mỹ nhân của người dân ở các xã Bình Thanh Tây, Bình Chương (Bình Sơn) và rộng ra là hàng nghìn tấn dưa của người dân trong tỉnh cũng đang ế ẩm. Bởi giá dưa đang ở mức 1.500-2.000 đồng/kg, nhưng không có người thu mua. Hiện chính quyền ở nhiều nơi thêm lần nữa phải kêu gọi các tổ chức, cá nhân mua nông sản giúp nông dân.

Đang vào vụ thu hoạch, nhưng giá ớt quá rẻ, người dân thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) đành phải nhổ bỏ để gieo trồng các loại cây khác.             Ảnh: Ngọc Viên
Đang vào vụ thu hoạch, nhưng giá ớt quá rẻ, người dân thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) đành phải nhổ bỏ để gieo trồng các loại cây khác. Ảnh: Ngọc Viên


Ớt và dưa hấu không được ngành chức năng khuyến khích trồng, vì giá cả bấp bênh, đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, song cứ đến vụ nông dân vẫn ồ ạt xuống giống. “Canh bạc” với ớt và dưa khiến nông dân bao vụ phải “phủi tay”, nên bà con hiểu rất rõ rủi ro khi gieo trồng hai loại cây này. Nhưng rồi họ vẫn chấp nhận “đánh bạc” với trời, vì họ có quá ít sự lựa chọn.

Các loại cây trồng như bắp, đậu, mía... mặc dù có đầu ra ổn định, nhưng giá cả năm nào cũng “dậm chân tại chỗ”, thậm chí rớt giá thảm hại như mía, hiện là 400.000 đồng/tấn, trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp... ngày một tăng cao. Thực trạng “bí” đầu ra không chỉ có ớt và dưa hấu mà đó là thực trạng chung của các cánh đồng ớt, dưa, củ cải, bí... trên khắp cả nước.

Trái với bức tranh của những quả ớt, dưa được gieo trồng tự phát, mới đây hơn 3ha dưa hấu không hạt - mô hình trồng thí điểm ở huyện Bình Sơn và rất nhiều nông sản của người Hrê như ớt xiêm, rau màu... ở huyện miền núi Sơn Hà được bày bán ở một số siêu thị trên cả nước.

Đó là nhờ các sản phẩm này có được tấm "giấy thông hành" khi sản xuất theo chuỗi sản xuất liên kết rau quả sạch, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, với cách làm hoàn toàn chủ động từ khi gieo trồng đến khâu tiếp cận thị trường để tìm đầu ra.

Về lâu dài, chưa thể đánh giá kết quả của mô hình, nhưng nhìn con đường đi của cùng một loại nông sản có hai hướng đi khác nhau, trong đó nông sản có được sự hỗ trợ về nhiều mặt của Nhà nước mang tính bền vững hơn. Trồng cây gì, nuôi con gì hiện nay không phải là bài toán khó, mà yếu tố then chốt là phương pháp trồng, chăm sóc và xây dựng chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường ra sao cho thật bền vững.

Trong tháng 4.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”. Thủ tướng nhấn mạnh: “Không phải chỉ sản xuất cái đã có mà phải sản xuất cái thị trường cần” và cho rằng, hàng triệu hộ dân mà tự sản xuất, tự tiêu thụ, tự tìm thị trường thì khó, cho nên rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã... Và nếu như nông sản có được thị trường ổn định, thì chắc rằng nông dân sẽ đổi đời trên chính đồng ruộng của mình, chứ không phải vất vả như hiện nay.
         

NGỌC VIÊN

 


.