Thành công từ đam mê sinh vật cảnh

06:05, 31/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, các tác phẩm bonsai của anh Võ Văn Hòa (1976), ở khối 3, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ), hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện Đức Phổ, thường đoạt giải cao tại các hội thi sinh vật cảnh trong tỉnh.  

Anh Hòa cho biết: "Năm 1990, tôi vào sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh làm nghề thợ may. Vào những lúc rảnh rỗi, tôi thích chơi cây cảnh theo cách của mình. Ở thành phố thường mở những lớp dạy nghề sinh vật cảnh bằng cách vừa học, vừa thực hành. Nhờ tham gia theo học những lớp này mà tôi đã học được nhiều kinh nghiệm hay trong lĩnh vực cây cảnh nghệ thuật". Thế là từ đam mê, anh Hòa đã theo nghề sinh vật cảnh khi còn rất trẻ.

Hai tác phẩm nghệ thuật bonsai (cây cốc và cây sam núi) của anh Võ Văn Hòa đoạt giải cao.
Hai tác phẩm nghệ thuật bonsai (cây cốc và cây sam núi) của anh Võ Văn Hòa đoạt giải cao.


Để có “đất dụng võ”, năm 2000, anh và vợ con về quê sinh sống, rồi tham gia vào Hội Sinh vật cảnh huyện Đức Phổ. Vào thời điểm này, cây sanh đang sốt giá, thu hút rất nhiều người chơi, nên đã đẩy giá cây sanh lên rất cao. Không đứng ngoài cuộc, anh Hòa tham gia vào phong trào này, chuyên sửa các cây phôi ghép đá cho các nhà vườn và người chơi cây cảnh ở các huyện trong tỉnh. Nhờ đó, giúp cho anh có một khoản thu nhập khá.

Mấy năm sau, cây sanh mất giá, nhu cầu chơi sanh bám đá giảm dần, khiến nhiều hội viên sinh vật cảnh hụt hẫng, nhưng anh Hòa vẫn tự tin chuyển sang làm cây cảnh bonsai nghệ thuật. Anh vừa tham gia tạo cây cho những người khác khi cần, vừa đi sưu tầm cây phôi đưa về sửa lại, nuôi dưỡng, tạo thành những cây cảnh nghệ thuật theo ý thích của mình.
 

"Tôi thích chơi cây cảnh theo cách “ghiền” của mình. Nhờ chịu khó học hỏi mà tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay trong lĩnh vực cây cảnh nghệ thuật".
Anh VÕ VĂN HÒA , ở khối 3,thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ)

Ai đã tham gia vào nghề sinh vật cảnh đều biết một trong những nỗi khổ nhất của nghề này là cất công đi sưu tầm các loại cây phôi. Cây phôi có đủ tiêu chuẩn thì mới có thể tạo được tác phẩm nghệ thuật, nên rất khó tìm, hiếm gặp. Nhiều năm qua anh Hòa đã phải lặn lội từ Nam ra Bắc để sưu tầm cây cảnh. Anh Hòa cho biết: Có những chuyến đi sưu tầm cây cảnh thật đáng nhớ, như chuyến đi lên tận huyện Mộc Hóa (Tây Ninh), gần giáp với biên giới Campuchia, tôi đã mua được một cây sơn trà mọc dại trong vườn, với giá không quá một triệu đồng. Qua bàn tay nghệ thuật của anh, sau hơn 5 năm cây sơn trà đã trở thành cây cảnh bonsai rất đẹp và đã có người đến hỏi mua với giá cao, nhưng anh chưa bán.

Hiện anh Hòa có hơn 70 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật các loại như: Sâm núi, linh sam, sơn trà, cây dúi, mai vàng, mai chiếu thủy, cẩm thị, tùng... Trong đó có nhiều cây kiểng cổ có tuổi gần 100 năm, như cây dúi, cây nguyệt quế...

Tuy đã có hơn 20 năm tham gia nghề sinh vật cảnh, nhưng những năm gần đây, anh Hòa mới đưa một số tác phẩm cây cảnh nghệ thuật bonsai của mình đi trưng bày và dự thi tại các hội thi do Hội Sinh vật cảnh của tỉnh, TP.Quảng Ngãi và các huyện trong tỉnh tổ chức. Tại các hội thi này, tác phẩm của anh luôn được đánh giá cao. Dịp Xuân Bính Thân 2016, Ban Tổ chức trưng bày và Hội thi Sinh vật cảnh TP.Quảng Ngãi, đã chứng nhận anh Võ Văn Hòa có 3 tác phẩm đoạt giải của hội thi. Tại Hội thi Sinh vật cảnh do các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành tổ chức trong vài năm gần đây, anh Võ Văn Hòa cũng có một số  tác phẩm đoạt giải A và C.

Đặc biệt, tác phẩm cây cảnh nghệ thuật bonsai của anh Hòa chẳng những được các hội sinh vật cảnh trong tỉnh đánh giá cao, mà còn được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và Hội Sinh vật cảnh TP.Hồ Chí Minh chọn một số tác phẩm đạt tiêu chuẩn để tham gia Lễ hội Bonsai Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào năm 2015. Tại hội thi này, toàn tỉnh có 7 tác phẩm được chọn tham dự, thì riêng anh Võ Văn Hòa có 2 tác phẩm.

Hy vọng từ những thành công này, sẽ giúp anh Hòa tự tin hơn để phát huy năng khiếu của mình, tạo thêm được nhiều tác phẩm nghệ thuật bonsai đạt giá trị cao hơn nữa trong thời gian tới.
   

Bài, ảnh: Nguyễn Khâm


 


.