Ngư dân chật vật chuyển đổi nghề

04:05, 02/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù biết chuyển đổi nghề là cần thiết, nhưng nhiều ngư dân hành nghề lưới kéo, nghề lặn vẫn đang loay hoay và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Từng là thợ lặn nhiều năm, nên ngư dân Võ Văn Hân, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) hiểu rất rõ những hiểm nguy của nghề lặn. “Dù lặn sâu dưới biển, nhưng trang thiết bị hỗ trợ rất sơ sài. Chính vì vậy, chỉ cần thợ lặn bất cẩn, hoặc sức khỏe không được tốt là có thể xảy ra rủi ro”, ông Hân bộc bạch.

Do đó, khi Chính phủ ban hành Nghị định 67 (nay là Nghị định 17), ông Hân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu vỏ thép công suất 811CV, với tổng chi phí trên 14 tỷ đồng. Từ ngày sở hữu tàu công suất lớn, ông Hân bỏ hẳn nghề lặn, tập trung hành nghề lưới chụp ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

 Nghị định 17 hỗ trợ sau đầu tư 35% chi phí đóng tàu sẽ giúp ngư dân hành nghề lặn, lưới kéo chuyển nghề.  ẢNH: T. P
Nghị định 17 hỗ trợ sau đầu tư 35% chi phí đóng tàu sẽ giúp ngư dân hành nghề lặn, lưới kéo chuyển nghề. ẢNH: T. P


Còn ngư dân Nguyễn Xu, ở cùng thôn Định Tân, cũng không giấu được niềm vui khi đóng mới chiếc tàu công suất trên 400CV để hành nghề lưới chụp. Hơn mười năm hành nghề lặn, không ít lần ông Xu chứng kiến ngư dân phải bỏ mạng giữa biển khơi, có người may mắn trở về thì tàn phế. Biết thế, nhưng mãi đến khi bản thân suýt gặp nạn, ông Xu mới quyết tâm từ bỏ nghề.

Dù biết nghề lặn nguy hiểm, nghề lưới kéo tàn phá môi trường và nguồn lợi biển, nhưng chưa có nhiều ngư dân chủ động chuyển đổi nghề. Lý giải điều này, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, bên cạnh nguồn lực hạn chế, ngư dân còn lúng túng,  vì không biết chuyển sang nghề gì cho phù hợp và đảm bảo tính hiệu quả.

Hơn nữa, ngư dân hành nghề lặn hầu hết là người thu nhập thấp, nên khi chuyển nghề họ rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực để đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ, cũng như việc vận hành và khai thác. Đơn cử như ngư dân Võ Văn Hân đầu tư đóng mới chiếc tàu vỏ sắt hiện đại, nhưng năm đầu, ông Hân liên tục lỗ tổn. “Cùng với việc chiếc tàu thường xuyên trục trặc, nghề mới khiến chúng tôi bỡ ngỡ, thậm chí gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm và lựa chọn ngư trường khai thác”, ông Hân cho biết.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn cho biết, đề án chuyển đổi nghề lặn, nghề  lưới kéo đang đợi hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, nếu ngư dân hành nghề lặn, nghề lưới kéo có nhu cầu chuyển đổi nghề, thì đã có “bà đỡ” là Nghị định 17. “Với mức hỗ trợ một lần sau đầu tư là 35% tổng giá trị chiếc tàu, Nghị định 17 đã giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn”, ông Sơn cho biết.  

Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi nghề, nếu ngư dân gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục, hoặc có nhu cầu học các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng... thì Chi cục Thủy sản cũng  sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ.  


THANH PHONG


 


.