Kết nối sản xuất và cung ứng sản phẩm

08:05, 10/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kết nối nhà bán lẻ uy tín với đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm là hướng đi mới hiệu quả, bền vững cho cả hai bên. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nên nhiều đơn vị còn gặp vướng mắc khi tiếp cận với hệ thống bán lẻ.

Tiếp cận hệ thống bán lẻ

Cùng với việc chiếm lĩnh thị phần bánh tráng tại chợ Quảng Ngãi và xuất khẩu ra nước ngoài, thời gian qua, sản phẩm bánh tráng Kim Ngọc của Công ty TNHH Dũng Nhung (TP.Quảng Ngãi) còn xuất hiện trong hệ thống Siêu thị Big C tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Giám đốc Công ty TNHH Dũng Nhung Đặng Văn Dũng cho biết: Sau khi ký hợp đồng tại hội nghị kết nối cung cầu năm 2017, công ty đã đưa bánh tráng vào siêu thị, nhờ sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ tháng 12.2017 đến nay, trung bình mỗi tháng hệ thống Siêu thị Big C nhập 600kg bánh tráng của công ty.

 Thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, nhiều cơ sở sản xuất trong tỉnh  đã tiếp cận được với các nhà phân phối, hệ thống bán lẻ trong cả nước.
Thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, nhiều cơ sở sản xuất trong tỉnh đã tiếp cận được với các nhà phân phối, hệ thống bán lẻ trong cả nước.


Bà Ngô Thị Việt Hà, chủ cơ sở kinh doanh tỏi ở Lý Sơn thì làm ăn có hiệu quả nhờ đưa sản phẩm tỏi Lý Sơn kết nối với Siêu thị Tứ Sơn (An Giang). Mỗi tháng, siêu thị này nhập khoảng một tấn hành và tỏi theo giá thị trường. “Trước đây, cơ sở chủ yếu bán sỉ và lẻ các sản phẩm của các tỉnh miền Bắc. Chúng tôi sẽ làm cầu nối để người tiêu dùng các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khách hàng Campuchia sử dụng nhiều hơn sản phẩm tỏi Lý Sơn”, ông Lê Nhật Vương, đại diện cho Siêu thị Tứ Sơn cho biết.

Hỗ trợ cải thiện sản xuất

Sản phẩm mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong tỉnh rất phong phú, nhưng phần lớn người dân sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, nên nhiều sản phẩm gặp bất lợi trong việc tiếp cận hệ thống bán lẻ, do quy cách đóng gói, bao bì mẫu mã, bảo quản chưa đảm bảo yêu cầu, kể cả những sản phẩm kinh doanh lâu năm.

Để góp phần tạo ra chuỗi cung ứng hiệu quả, bền vững, kết nối giữa đơn vị phân phối và sản xuất, Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho rằng, đối với các mặt hàng ở các địa phương thì cần hình thành đơn vị làm đầu mối thu mua để tạo nguồn hàng với số lượng lớn, ổn định. Bởi các đơn vị phân phối lớn chỉ làm việc với đầu mối, chứ không thể đến từng nhà mua sản phẩm.

Để nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện sản phẩm, Sở Công thương đã đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tập huấn sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đơn vị, cơ sở. Hỗ trợ các đơn vị sản xuất, cung ứng quy cách đóng gói bao bì, mẫu mã cho sản phẩm; xây dựng thương hiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh kết nối với các đơn vị có nhu cầu... Với phương thức đó, thời gian qua, một số nhà phân phối uy tín trong nước đã gặp gỡ trực tiếp, góp ý và đưa ra yêu cầu cho các cơ sở sản xuất biết được tiêu chuẩn, quy cách đóng gói sản phẩm. Nhờ đó, một số sản phẩm đã tiếp cận với hệ thống bán lẻ có quy mô lớn trong cả nước.


Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.